Bòng bong (hải kim sa, thòng bong) có tính hàn, công dụng thanh nhiệt, tả thấp nhiệt ở tiểu đường, bàng quang và thông lâm. Vì vậy hải kim sa thường được nhân dân sử dụng để trị chứng tiểu tiện vàng/ đỏ, tiểu khó, sạn đường tiết niệu do thấp nhiệt.
- Tên gọi khác: Thòng bong, Hải kim sa, Thạch vi dây, Dương vong.
- Tên dược: Spora Lygodii
- Tên khoa học: Lyofodium japonium
- Họ: Thòng bong (danh pháp khoa học: Schizaeaceae)
Mô tả dược liệu bòng bong
1. Đặc điểm và Hình ảnh cây bòng bong
Bòng bong là loài thực vật dạng leo, thân rễ mọc bò và xanh tốt quanh năm. Lá xẻ lông chim 2 – 3 lần, lá mang bào tử ở mép (bào tử có kích thước nhỏ, hình tròn, màu nâu vàng hoặc vàng nhạt). Mép lá nguyên, bề mặt nhẵn và mỏng.
Hình ảnh cây bòng bong (hải kim sa):
Hình ảnh cây bòng bong – Loài thực vật dây leo, dài và xanh tốt quanh năm
2. Bộ phận dùng
Toàn cây. Bào tử khô của cây được gọi là hải kim sa.
3. Phân bố
Thòng bong mọc hoang nhiều ở bờ rào, bụi rậm và ven rừng tại các địa phương ở nước ta.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái quanh năm, sau khi đem về phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo.
6. Thành phần hóa học
Cây bòng bong chứa flavonoid và một số axit hữu cơ.
Vị thuốc hải kim sa
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tiểu trường và Bàng quang.
3. Cây bòng bong có tác dụng gì?
– Công dụng của hải kim sa theo Đông Y:
- Tác dụng: Lợi thấp, giải độc, thanh nhiệt, thông lâm, tả thấp nhiệt ở tiểu đường, bàng quang.
- Chủ trị: Sỏi đường tiểu, sỏi mật, thủy thũng, viêm thận, mụn nhọt sang lở, bỏng da.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Hiện tại hải kim sa chủ yếu được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên các nghiên cứu còn hạn chế.
4. Cách dùng – liều lượng
Hải kim sa được sử dụng chủ yếu ở dạng sắc với liều 12 – 24g/ ngày. Ngoài ra có thể dùng lá bòng bong tươi giã nát và đắp lên vùng da cần điều trị.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây bòng bong (hải kim sa)
1. Bài thuốc trị vết thương do ong vàng đốt
- Chuẩn bị: Lá bòng bong tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp lên chỗ bị thương.
2. Bài thuốc trị chứng mụn rộp loang vòng
- Chuẩn bị: Dây và lá thòng bong tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch rồi đem giã nhuyễn và đắp vào vùng da cần điều trị. Thực hiện 2 lần/ ngày.
3. Bài thuốc trị chứng đới hạ ở nữ giới
- Chuẩn bị: Dây bòng bong 1 lạng và thịt lợn 1 lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Cắt nhỏ, rửa sạch và đem hầm với thịt lợn. Dùng thịt ăn và uống hết nước canh.
4. Bài thuốc trị chứng viêm tuyến vú
- Chuẩn bị: Hải kim sa 25 – 30g.
- Thực hiện: Sắc uống với nước và rượu (tỷ lệ 1:1) và dùng nước sắc chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
5. Trà hải kim sa lợi tiểu, thích hợp với những trường hợp tiểu ít và khó khăn khi tiểu tiện
- Chuẩn bị: Hải kim sa 60 – 90g.
- Thực hiện: Sắc với nước, sau đó thêm 1 ít đường vào và dùng uống thay trà.
6. Bài thuốc trị chứng tiểu tiện ra máu
- Bài thuốc 1: Dây bòng bong và biển súc mỗi vị 15 – 20g, sắc uống hằng ngày.
- Bài thuốc 2: Hải kim sa tán bột mịn, mỗi lần dùng 8g uống với nước đường, ngày dùng 3 lần.
7. Bài thuốc trị bệnh thạch lâm (sỏi đường tiết niệu)
- Chuẩn bị: Bạch mao căn, hoạt thạch và hải kim sa mỗi vị 30g, cỏ mã đề 12g, kim tiền thảo 60g.
- Thực hiện: Đem sắc kỹ với nước chia thành 3 phần uống và dùng hết trong ngày.
8. Bài thuốc trị chứng cao lâm (tiểu tiện ra dưỡng chất)
- Chuẩn bị: Mạch môn 20g, cam thảo 10g, hải kim sa và hoạt thạch mỗi vị 40g.
- Thực hiện: Dùng mạch môn sắc riêng, các vị còn lại đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g uống với nước sắc mạch môn, ngày dùng 3 lần.
9. Bài thuốc trị chứng di mộng tinh
- Chuẩn bị: Dây bòng bong đốt tồn tính.
- Thực hiện: Đem nghiền mịn, mỗi lần dùng 4 – 6g hòa với nước sôi uống.
10. Bài thuốc trị chứng ỉa chảy
- Chuẩn bị: Cả cây bòng bong.
- Thực hiện: Sắc uống cho đến khi khỏi.
11. Bài thuốc trị chứng lị ra máu
- Chuẩn bị: Lá và dây bòng bong 60 – 90g.
- Thực hiện: Sắc kỹ với nước và chia thành 2 – 3 lần dùng trong ngày.
12. Bài thuốc trị chứng viêm gan
- Chuẩn bị: Xa tiền thảo 20g, hải kim sa 15g và nhân trần 30g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
13. Bài thuốc trị chứng phù thũng toàn thân khiến bụng đầy trướng và khó thở khi nằm
- Chuẩn bị: Khiên ngưu tử (hạt bìm bìm) 30g nửa sống nửa sao chín, cam toại và hải kim sa 15g.
- Thực hiện: Đem các vị nghiền mịn và trộn đều. Mỗi lần dùng 8g thuốc bột sắc với 1 bát nước và uống trước khi ăn.
14. Bài thuốc trị thấp trệ gây trướng bụng và ăn uống khó tiêu
- Chuẩn bị: Cam thảo 2g, bòng bong 20g và 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 500ml nước còn lại 150ml và chia thành 2 lần uống trong ngày. Nên sử dụng bài thuốc sau khi ăn 15 phút, dùng liên tục trong 5 – 10 ngày.
15. Bài thuốc giúp lợi sữa và trị chứng ít sữa ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Cây bòng bong 12 – 24g.
- Thực hiện: Đem sắc với 400ml nước còn lại 200ml và chia thành 3 lần uống trong ngày. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 5 ngày.
16. Bài thuốc trị chứng bỏng do lửa (bỏng nhẹ và phạm vi nhỏ)
- Chuẩn bị: Bòng bong 25g.
- Thực hiện: Đốt tồn tính, nghiền thành bột và trộn với dầu vừng, sau đó thoa lên vết bỏng.
17. Bài thuốc trị chứng nước tiểu đỏ, khó tiểu
- Bài thuốc 1: Hổ phách 40g, mang tiêu 100g, bằng sa 20g và bòng bong 100g. Đem các vị tán thành bột mịn, dùng 5 – 8g/ ngày, chia thành 2 – 3 lần dùng và uống với nước ấm.
- Bài thuốc 2: Bòng bong 24g đem sắc với 400ml nước trong vòng 15 phút. Sau đó thêm đường vào và dùng uống thay nước trà.
18. Bài thuốc trị vết thương ở phần mềm
- Chuẩn bị: Dùng lá bòng bong và lá mỏ quạ tưởi các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem rửa sạch và giã nát, sau đó đắp lên vết thương. Ngày thay 1 lần trong 3 – 4 ngày. Sau đó dùng lá hàn the, lá mỏ quạ tươi và lá bòng bong giã nát, đắp lên vết thương. Với bài thuốc này, cứ 2 – 3 ngày thì thay 1 lần.
19. Bài thuốc trị chứng sỏi tiết niệu
- Chuẩn bị: Tiên hạc thảo 15g, hoa hòe 10g, mộc thông 9g, 8g, biển súc 12g, hải kim sa 15g, hoạt thạch 15g, kim tiền thảo 30g, sơn chi 12g, cam thảo 6g, cù mạch 12g và đại hoàng 6g (cho vào sau).
- Thực hiện: Dùng sắc uống, ngày dùng 1 thang và chia làm 3 lần uống.
20. Bài thuốc trị sỏi lâu ngày không khỏi do tuổi già hoặc do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Hoàng kỳ, xa tiền tử và hải kim sa mỗi vị 5g, thục địa, hoàng bá, tri mẫu, trạch tả, đương quy mỗi vị 12g, kim tiền thảo 30g, cam thảo 6g, mộc thông và kê nội kim mỗi vị 9g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, chia làm 3 lần uống trong ngày.
21. Bài thuốc trị nhiệt chứng gây tâm phiền, niệu đạo nóng rát, miệng đắng và lưỡi đỏ
- Chuẩn bị: Tiêu thạch 15g, bòng bong 60g, kim tiền thảo 60g, đông quỳ tử 9g, thạch vi 12g, kê nội kim 12g, xa tiền tử 15g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống trong ngày.
22. Bài thuốc trị nhiệt ứ và sỏi khiến tiểu tiện khó khăn, bụng dưới đau
- Chuẩn bị: Cam thảo 3g, hổ phách 9g, ngưu tất 10g, bòng bong 9g, trạch tả, cù mạch, trư linh, phục linh, biển súc, xa tiền, mộc thông mỗi vị 15g, kim tiền thảo 60g và hoạt thạch 18g.
- Thực hiện: Sắc uống.
- Lưu ý: Nếu khí trệ ứ huyết gia thêm nga truật 12g, mộc hương 8g và trần bì 10g. Còn trường hợp khí hư gia thêm hoàng kỳ 15g, huyết hư gia thêm bạch thược 12g, đương quy 12g, thục địa 16g và xuyên khung 8g.
23. Bài thuốc trị sạn ở đường tiết niệu
- Chuẩn bị: Xuyên phá thạch, hoạt thạch, hải kim sa và đông quỳ tử mỗi vị 15g, kim tiền thảo 30 – 60g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
24. Bài thuốc trị chứng thận hư kèm sạn do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Vương bất lưu hành, hoàng tinh, xuyên phá thạch, hoài ngưu tất và hải kim sa mỗi vị 15g, kim tiền thảo 20g, hoàng kỳ 30g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu sắc uống, ngày dùng 1 thang và chia đều thành nhiều lần uống.
25. Bài thuốc trị chứng sỏi mật
- Chuẩn bị: Kê nội kim, uất kim và hải kim sa gia giảm liều lượng theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
26. Bài thuốc trị chứng phù, cổ trướng nhẹ và tiểu ít do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Trần bì, hậu phác và mỗi vị 6g, la bặc tử, hạnh nhân, thông thảo và kê nội kim mỗi vị 10g, hải kim sa 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Kiêng kỵ và lưu ý khi dùng cây bòng bong
- Người thận dương hư gây tiểu nhiều và người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây bòng bong đều được lưu truyền trong y học dân gian và hầu hết chưa được nghiên cứu về mặt khoa học. Do đó trước khi áp dụng, bạn nên tham vấn bác sĩ khoa y học cổ truyền để kiểm soát rủi ro và tác dụng phụ phát sinh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.