Thiên môn đông là dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể trạng và điều trị một số bệnh lý như tiểu đường, ho có đờm, miệng lở, đau nhức cơ thể do hư lao. Ngoài ra dược liệu này còn có tác dụng nuôi dưỡng làn da và ngăn ngừa nám sạm.
- Tên gọi khác: Địa môn đông, thiên môn, duyên môn đông, điên lặc, kim hoa, tương mỹ, mãn đông, dây tóc tiên, thiên văn đông,…
- Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis
- Họ: Hành tỏi (danh pháp khoa học: Liliaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Thiên môn đông là loài thực vật dạng bụi leo, sống nhiều năm, cây có chiều cao trung bình từ 1.2 – 1.5m. Cành hình trụ, có gai cong và mọc xoắn vào nhau, tạo thành từng bụi dày. Các cành nhỏ của cây biến đổi thành lá có đầu nhọn và hình lưỡi liềm, được gọi là diệp chi. Một số lá tiêu biến thành các vảy nhỏ.
Rễ củ, thường mọc thành chùm và có hình thoi. Hoa mọc thành cụm, màu trắng, mỗi cụm thường có khoảng 1 – 2 hoa. Cây ra hoa vào tháng 3 – 5 và sai quả vào tháng 6 – 9 hằng năm. Quả hình cầu và bên trong chứa hạt màu đen.
2. Bộ phận dùng
Rễ củ của cây thiên môn thường được thu hái để làm thuốc. Chỉ dùng củ rễ cứng, mịn, mặp, chắc và bên ngoài màu trắng vàng.
3. Phân bố
Loài thực vật này mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Trung và một số đảo như Côn Đảo, Phú Quốc,… Hiện nay thiên môn đông còn được trồng ở nhiều địa phương khác để làm cảnh, hàng rào và làm thuốc chữa bệnh.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hoạch rễ vào tháng 10 – 12 hằng năm (chỉ thu hái rễ của cây đủ 2 năm tuổi). Sau khi đào rễ lên, cắt bỏ rễ con và rửa sạch đất cát. Sau đó tẩm nước lên cho mềm, đồ chín, bóc vỏ và rút bỏ lõi. Cuối cùng thái nhỏ rễ, đem phơi hoặc sấy khô.
Hoặc có thể sơ chế thiên môn theo các cách sau:
- Rửa sạch, bỏ lõi, ủ cho mềm, sau đó thái phiến và phơi khô.
- Rửa sạch, bỏ lõi, thái phiến và đem phơi khô, dùng dần.
- Cạo bỏ vỏ ngoài, sau đó rút bỏ lõi, đồ chín, phơi cho khô, tẩm rượu qua 1 đêm, tiếp tục đồ và phơi khô hoàn toàn.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và ít độ ẩm bởi dược liệu này dễ bị ẩm mốc và hư hại.
6. Thành phần hóa học
Thiên môn đông chứa một số thành phần hóa học như beta-sitosterol 5, 5-methoxymethyl furfural, yamogenin, xylose, glucose, sarsasapogenin, asparagine, proline, alanine, valine, tyrosine, methionine, sucrose, acid amin, rhamnose,…
Vị thuốc thiên môn đông
1. Tính vị
Vị ngọt, đắng, tính hàn, không có độc. Tuy theo ghi chép của Bản Kinh, thiên môn đông lại có vị đắng và tính bình.
2. Qui kinh
Qui vào kinh Phế và Thận.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông y:
- Tác dụng: Lợi tiểu tiện, khu hàn nhiệt, khử nhiệt trúng phong, dưỡng cơ bì, nhuận ngũ tạng, bổ ngũ lao, thất thương, thông thận khí, ích bì phu,…
- Chủ trị: Suy nhược ở người cao tuổi, mắt mờ, người gầy ốm, hen suyễn, ho ra máu, lao phổi, ho lao, điếc, phế nuy gây nôn ra mủ,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng ức chế khối u: Thiên môn đông có tác dụng ức chế tế bào bạch cầu ở chuột nhắt thực nghiệm bị viêm hạt hạch bạch huyết cấp và mãn tính.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ dược liệu có tác dụng ức chế phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch cầu, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn nhóm A và B.
- Dược liệu có tác dụng diệt ấu trùng muỗi và ruồi.
- Ngoài ra nước sắc từ thiên môn còn có tác dụng cường tráng, lợi tiểu, giảm ho và thông tiện.
4. Cách dùng – liều lượng
Thiên môn đông được dùng ở dạng thuốc sắc, hoàn, thuốc bột hoặc dạng cao lỏng. Liều dùng trung bình từ 6 – 12g/ ngày.
Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc thiên môn đông
1. Bài thuốc ôn bổ hạ nguyên, dưỡng huyết và tư âm
- Chuẩn bị: Sinh địa và thiên môn đông (bỏ lõi) mỗi thứ 80g, nhân sâm 40g, 9 quả táo tàu và một ít rượu.
- Thực hiện: Cho thiên môn và sinh địa vào bình bằng gỗ cây liễu, sau đó đổ rượu vào rửa sạch. Chưng chín rồi phơi 9 lần cho đến khi khô hoàn toàn. Thêm nhân sâm vào, tàn thành bột rồi trộn với thịt táo tàu giã nát làm thành viên (viên to bằng hạt ngô đồng). Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 viên uống trước khi ăn.
2. Bài thuốc giúp nuôi dưỡng làn da
- Chuẩn bị: Hồ ma nhân, thục địa và thiên môn bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong, làm thành viên hoàn (hoàn to bằng hạt long nhãn). Mỗi lần dùng 20 viên uống với nước ấm.
3. Bài thuốc trị tiêu khát
- Chuẩn bị: Ngũ vị tử, thiên môn và mạch môn bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu nấu đặc thành cao, sau đó thêm mật ong vào và để dùng dần.
4. Bài thuốc trị phong nhiệt, khát, hư lao và chứng phế nuy
- Chuẩn bị: Thiên môn (bỏ vỏ và bỏ lõi).
- Thực hiện: Đem dược liệu nấu chín, sau đó ăn trực tiếp. Hoặc dùng dược liệu phơi khô, tán thành bột mịn, luyện cùng với mật ong và làm thành viên. Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước trà.
5. Bài thuốc trị buồn phiền, mồ hôi trộm, miệng khô, khát, bứt rứt trong người
- Chuẩn bị: Miết giáp, sài hồ, bạch thược, ngũ vị tử, thiên môn, thanh hao, mạch môn, ngưu tất và địa cốt bì, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
6. Bài thuốc trị sán khí
- Chuẩn bị: Ô mai 20g và thiên môn 12g.
- Thực hiện: Nấu ô mai cùng với thiên môn cho kỹ, sau đó dùng nước uống.
7. Bài thuốc trị đau nhức cơ thể do hư lao
- Chuẩn bị: Một lượng thiên môn đông vừa đủ.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa uống cùng với rượu. Ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi.
8. Bài thuốc trị chứng phế nuy, tim nóng, miệng khô, ho và khạc ra nhiều đờm
- Chuẩn bị: Rượu 7 chén, mạch nha 1 chén, thiên môn (sống) một lượng vừa đủ, tử uyển 160g.
- Thực hiện: Đem thiên môm vắt lấy 7 chén nước cốt, sau đó dùng nước cốt nấu với các nguyên liệu còn lại làm thành cao. Mỗi lần dùng một thìa to bằng quả táo, ngày dùng 3 lần.
9. Bài thuốc trị âm hư hỏa vượng
- Chuẩn bị: Thiên môn nhục 480g, (bỏ hạt) 160g.
- Thực hiện: Đem các vị phơi cho khô, sau đó nghiền nát và trộn với hồ làm thành viên (viên to bằng hạt ngô đồng). Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước trà ấm, ngày dùng 3 lần.
10. Bài thuốc trị phong, mỗi lần lên cơn thì tai ù, cơn đau lan xuống mạn sườn, môn mửa,…
- Chuẩn bị: Thiên môn đông (bỏ lõi) một lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Đem dược liệu phơi khô, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 1 thìa uống cùng với rượu, ngày sử dụng khoảng 3 lần.
11. Bài thuốc trị miệng lở lâu ngày không khỏi
- Chuẩn bị: Huyền sâm, thiên môn đông (bỏ lõi), mạch môn (bỏ lõi), các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột, trộn với mật làm thành viên (viên to bằng hạt long nhãn). Mỗi lần ngậm 1 viên.
12. Bài thuốc trị da mặt nám và sạm đen
- Chuẩn bị: Thiên môn (dạng bột mịn) và mật ong.
- Thực hiện: Dùng dược liệu trộn với mật ong làm thành viên. Mỗi ngày, dùng 1 viên hòa với nước để rửa mặt hoặc xát nhẹ trực tiếp lên da.
13. Bài thuốc chữa ho gà
- Chuẩn bị: Quất hồng và qua lâu nhân mỗi thứ 5g, bạch bộ 10g, mạch môn và thiên môn đông mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu sắc lấy nước, chia thành 2 lần dùng và uống hết trong ngày.
14. Bài thuốc chữa phế hư, người mệt mỏi, ho nhiều và sốt nhẹ
- Chuẩn bị: Nhân sâm 3g, sa sâm 12g, ngũ vị tử 3g, thiên thảo căn, phục linh, nữ trinh tử và bối mẫu mỗi thứ 6g, sơn dược, ngọc trúc và hạnh nhân mỗi thứ 9g, mạch môn và thiên môn đông mỗi thứ 4.5g.
- Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bột mịn, sau đó dùng kèm với nước sắc ngó sen.
15. Bài thuốc chữa đại tiện khô khăn sau khi bị nhiệt bệnh
- Chuẩn bị: Hạt gai đay, đương quy và huyền sâm mỗi thứ 10g, sinh địa 12g và thiên môn 10g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với nước, uống hằng ngày cho đến khi khỏi.
16. Bài thuốc chữa ho có đờm và thổ huyết
- Chuẩn bị: Ngũ vị tử, mạch môn và thiên môn đông, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị nấu thành cao, sau đó luyện với mật ong làm thành viên uống. Mỗi ngày dùng từ 4 – 5g.
17. Bài thuốc bồi bổ tinh khí và nâng cao sức khỏe
- Chuẩn bị: Thục địa và thiên môn mỗi thứ 10g, nhân sâm 4g.
- Thực hiện: Đem sắc với 600ml, còn lại 200ml và chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
18. Bài thuốc trị chứng ho gà, ho lâu ngày, ho do nhiệt kèm theo đờm đặc
- Chuẩn bị: Mạch môn và thiên môn đông mỗi thứ 20g, cam thảo và trần bì mỗi thứ 8g, bạch bộ 12g.
- Thực hiện: Sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống và dùng sau khi ăn khoảng 1 giờ.
19. Bài thuốc trị chứng táo bón, ngủ kém, vô lực, mụn nhọt, tim loạn nhịp
- Chuẩn bị: Bá tử nhân, liên nhục và thảo quyết minh mỗi thứ 12g, đăng tâm thảo và liên tâm mỗi thứ 8g, thiên môn đông 16.
- Thực hiện: Dùng các vị sắc uống, dùng sau khi ăn 1 giờ đồng hồ.
20. Bài thuốc chữa ho nhiệt thể mãn tính
- Chuẩn bị: , qua lâu nhân, bối mẫu, hạnh nhân và tử uyển, khoản đông hoa, thiên môn đông và tang bạch bì (tẩm mật sao) mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Đem nước sắc chia thành 3 lần dùng và uống sau khi ăn 1 giờ.
21. Bài thuốc trị chứng lở miệng và lưỡi
- Chuẩn bị: Huyền sâm, mạch môn và thiên môn đông (bỏ lõi) mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Ngày sắc 1 thang, chia thành 3 lần dùng và uống sau khi ăn 1 giờ.
22. Bài thuốc trị chảy máu cam và nôn ra máu
- Chuẩn bị: Sinh địa và thiên môn đông mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Sắc ngày dùng 1 thang, sử dụng hằng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu thiên môn đông
Khi dùng dược liệu thiên môn đông để bồi bổ sức khỏe và chữa trị, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Không dùng cho người có đàm ẩm nhưng không có hư hỏa.
- Khi dùng dược liệu này, cần hạn chế ăn cá chép, cá chầy và cá trắm.
- Không sử dược dược liệu cho người có tỳ vị hư hàn.
Thiên môn đông là dược liệu có tác dụng bồi bổ sức khỏe và điều trị các chứng nhiệt bệnh ở phế. Tuy nhiên dược liệu này có tính rất hàn nên tuyệt đối không sử dụng cho các trường hợp không có hư hỏa. Để kiểm soát các rủi ro trong thời gian sử dụng, ban nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.