Từ lâu đời, nhiều bộ phận của cây dâu tằm đã được dùng làm thuốc với các công dụng khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về công dụng và cách dùng Quả Dâu – Fructus Mori, hay Tang thầm. Phải chăng ngoài tác dụng giải khát, Tang thầm còn có tác dụng quý gì khác để biến nó thành một vị thuốc được ghi vào kho tàng thuốc Y học cổ truyền?
Mục lục
- Quả Tang thầm
- Thu hái và bào chế
- Thành phần hoá học
- Tác dụng dược lý
- Công dụng, liều dùng
- Đơn thuốc kinh nghiệm
1. Quả Tang thầm
Dâu tằm tên khoa học là Morus alba L, họ Dâu tằm (Moraceae). Trong tiếng Hán Việt, Dâu tằm là tang. Từ lâu đời, nhiều bộ phận của cây dâu tằm đã được dùng làm thuốc với các công dụng khác nhau. Lá dâu – Folium Mori, là Tang diệp. Vỏ dâu – Cortex Mori, là Tang bạch bì; Cành dâu – Ramulus Mori, là Tang chi.
Tang thầm là quả của cây Dâu tằm. Quả kép hình tại do nhiều quả bế tạo thành, dài 1 cm đến 2 cm, đường kính 5 mm đến 8 mm. Màu nâu vàng nhạt đến đỏ nâu nhạt hoặc tím tham, cuống quả ngắn. Vị hơi chua và ngọt.
Mùa hoa tháng 4 – 5, quả tháng 6 – 7.
2. Thu hái và bào chế
Tháng 4 đến 6, quả chín có màu đỏ, hái về, rửa sạch, phơi khô hoặc sau khi đồ qua rồi phơi khô.
3. Thành phần hoá học
- Quả Dâu chứa đường (glucose và fructose), acid malic và acid succinic, protein, tanin, vitamin C, caroten.
- Các thí nghiệm của một nhóm nghiên cứu do John Pejuto dẫn đầu đã phát hiện ra rằng dâu tằm có chứa resveratrol.
- Thành phần làm nên tác dụng chính trong các nghiên cứu gần đây chính là polysacarit.
4. Tác dụng dược lý
- Polysacarit có nguồn gốc từ Tang thầm là hoạt chất đầy triển vọng để chế tạo chất bổ sung sắt hữu cơ với hoạt tính chống oxy hóa tốt.
- Theo thí nghiệm in vitro (trong ống nghiệm), chiết xuất từ Tang thầm thể hiện hoạt động trong việc tăng cường thực bào, thúc đẩy đại thực bào tiết ra oxit nitric, yếu tố hoại tử khối u và các loại oxy phản ứng. Điều này đồng nghĩa với việc thể hiện khả năng tăng cường miễn dịch.
- Những dữ liệu từ một nghiên cứu năm 2013 cho thấy Chiết xuất Tang thầm thể hiện hiệu ứng tăng cường trí nhớ.
- Tác dụng hạ đường huyết: Polysacarit dâu tằm có tác dụng hạ đường huyết rõ ràng. Về cơ bản có thể duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi bình thường.
5. Công dụng, liều dùng
5.1 Công dụng
Bổ máu, giải khát, nhuận trường. Chủ trị: Chóng mặt, ù tai, tim đập nhanh, mất ngủ, đầu tóc sớm bạc, khô nóng, miệng khát, táo bón.
5.2 Liều dùng
Ngày dùng từ 9g đến 15g. Dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
6. Đơn thuốc kinh nghiệm
6.1 Chữa thiếu máu
Người thiếu máu, da xanh người gầy khô héo, mất ngủ, đầu choáng, chóng mặt: dùng quả Dâu chế xirô hay ngâm rượu hoặc dùng quả Dâu thêm Câu Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, nhân hạt táo, mỗi vị 10g, sắc uống.
6.2 Trị rụng tóc, tóc bạc
Uống cao Tang thầm: dùng độc vị Tang thầm chế thành cao lỏng 20 – 30%, mỗi lần uống 5 – 10ml. Bên ngoài dùng nước lọc quả dâu ngâm xát vào đầu hàng ngày. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm Hà thủ ô đỏ: Bí quyết cho người tóc bạc sớm.
6.3 Trị chứng táo bón
Táo bón ở người cao tuổi: phối hợp Mè đen, Hà thủ ô. Hoặc dùng bài: Tang thầm 20g, Can địa hoàng 20g, sắc nước cho ít mật ong uống.
Tóm lại, Tang thầm hay quả Dâu tằm có tác dụng bổ máu, trị tóc bạc tóc rụng, giải khát và trị táo bón.
Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.