Sa nhân tím có vị cay, tính ấm, tác dụng hành khí, tiêu thực, hành khí, tán phong hàn. Dược liệu này thường được sử dụng để điều trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, phong tê thấp, đau nhức xương khớp, viêm loét dạ dày – tá tràng và chứng buồn nôn do thai nghén.
- Tên gọi khác: Mé tré bà, la vê, sa ngần, mác nẻng, pa đóoc
- Tên khoa học: Amomum longiligulare
- Họ: Gừng (danh pháp khoa học: Zingiberaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Sa nhân tím là cây thân thảo, có chiều cao trung bình từ 1.5 – 2.5m và sống lâu năm. Thân rễ, có xu hướng mọc bò lan. Lá sa nhân có hình mác, dài khoảng 20 – 30cm, rộng từ 3 – 6cm và mọc so le.
Hoa mọc thành cụm ở thân rễ, màu trắng, mỗi cụm có khoảng 5 – 7 hoa. Quả của cây có màu tím, hình cầu, đường kính từ 1.2 – 2cm. Hoa và quả mọc quanh năm.
– Lưu ý:
Có nhiều loài thực vật cũng mang tên sa nhân như:
- Sa nhân thầu dầu (Amomum vespertilio Gagnep)
- Sa nhân sung (A. pavieanum Gapnep)
- Sa nhân đỏ (T. Tsai)
- Sa nhân hồi (A. schmidtii Gagnep)
- Sa nhân khế (A. mengtzense Tsai Chen)
- Sa nhân cánh (A. response Pierre)
2. Bộ phận dùng
Quả của cây sa nhân tím thường được thu hái để làm thuốc.
3. Phân bố
Sa nhân tím phân bố nhiều ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới như Nam Á, Đông Nam Á,… Loài thực vật này mọc nhiều ở đảo Hải Nam – Trung Quốc và một số tỉnh ở Việt Nam như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai,…
4. Thu hái – sơ chế
Mặc dù sa nhân tím cho quả quanh năm nhưng thời điểm thu hái chủ yếu vào tháng 6 – 9, vì lúc này quả có chất lượng tốt và dược lý mạnh nhất. Quả sau khi thu hái thường được phơi khô và để dùng dần.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Quả sa nhân chứa khoảng 0.65% tinh dầu. Tinh dầu của dược liệu này gồm có caren-3, limonene-borneol, a pinen, camphor,…
Vị thuốc sa nhân tím
1. Tính vị
Vị cay, mùi thơm và tính ấm.
2. Qui kinh
Quy vào kinh Tỳ, Vị và Thận.
3. Tác dụng dược lý
Theo Đông y:
- Tác dụng: Tán hàn, khai vị, tán thấp, kích thích tiêu hóa, hành khí và tiêu thực.
- Chủ trị: Thường được sử dụng để điều trị nôn mửa, bụng đầy, bụng đau chướng, ăn không tiêu, lỵ, tả
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng kháng khuẩn tương tự dược liệu sa nhân trắng.
4. Cách dùng – liều lượng
Sa nhân tím thường được dùng bằng cách sắc uống, tán bột làm hoàn và sử dụng bên ngoài. Nếu dùng uống, có thể dùng từ 1 – 6g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ sa nhân tím
1. Bài thuốc chữa có thai lạnh bụng, tiểu tiện không thông và đầy hơi
- Chuẩn bị: Hương phụ và sa nhân tím bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu phơi khô và tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng từ 3 – 4g uống với nước ấm, ngày dùng 3 lần. Hoặc chuẩn bị mỗi vị 8g và đem sắc, uống hết trong ngày.
2. Bài thuốc trị trẻ em cam tích, nôn mửa, ăn không tiêu và đau bụng
- Chuẩn bị: Mộc hương 6g, bạch truật 4g, sa nhân tím 4g, chỉ thực 6g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn. Sau đó dùng nước sắc từ gạo và bạc hà trộn đều với bột mịn, làm thành viên hoàn nặng khoảng 0.25g. Ngày sử dụng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng từ 2 – 3 viên.
3. Bài thuốc chữa phong tê thấp
- Chuẩn bị: 10g thân rễ sa nhân tím.
- Thực hiện: Đem rửa sạch, cắt rễ thành từng khúc nhỏ. Sau đó đem ngâm với 100ml rượu trong nửa tháng. Khi dùng, lấy dịch rượu xoa bóp lên vùng đau nhức. Hoặc có thể nấu với lá hồng bì dại và ngâm chân khi nước còn ấm để giảm đau.
4. Bài thuốc chữa tiêu chảy
- Chuẩn bị: Vỏ cây vối, sa nhân tím, thanh bì, mạch nha, trần bì, thần khúc và vỏ rụt mỗi thứ 2g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột và vo thành viên. Mỗi lần dùng 4g uống với nước tía tô sắc, ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.
5. Bài thuốc chữa đau nhức răng
- Chuẩn bị: Hạt sa nhân tím phơi khô.
- Thực hiện: Đem hạt giã thành bột, sau đó dùng bột chấm vào chỗ răng đau. Hoặc ngâm hạt sa nhân với rượu rồi ngậm.
6. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đại tràng mãn tính
- Chuẩn bị: Mộc hương tán bột 1g, bột sắn dây 30g và sa nhân tím tán bột 1g.
- Thực hiện: Đem các vị khuấy đều với nước, sau đó thêm đường và nấu thành cháo. Ngày ăn 2 lần.
7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày mãn tính
- Chuẩn bị: Dạ dày lớn 1 cái và sa nhân 6g.
- Thực hiện: Rửa sạch dạ dày, thái sợi, thêm sa nhân vào nấu canh. Dùng 1 lần/ ngày liên tục trong 10 ngày.
8. Bài thuốc điều trị chứng thai nghén, hay buồn nôn
- Chuẩn bị: Gạo tẻ 30g và sa nhân tím nghiền mịn 3g.
- Thực hiện: Nấu cháo cho chín, sau đó thêm bột sa nhân tím vào.
Những điều cần lưu ý khi dùng bài thuốc từ sa nhân tím
Khi sử dụng bài thuốc từ sa nhân tím, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:
- Người âm hư nội nhiệt không nên sử dụng dược liệu này
- Cần thận trọng khi lựa chọn sa nhân tím vì có rất nhiều loại thực vật có tên gọi và hình dáng tương tự.
Sa nhân tím là dược liệu quen thuộc, có tác dụng tán phong hàn, tiêu thực và hành khí. Do đó bạn có thể tận dụng dược liệu này để điều trị các chứng bệnh thường gặp như đầy bụng, ăn không tiêu, buồn nôn, đau nhức xương khớp,… Tuy nhiên cần sử dụng dược liệu theo liều lượng quy định để giảm thiểu các rủi ro phát sinh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.