Râu ngô là bộ phận quen thuộc của quả ngô (bắp) theo y học cổ truyền có thể thanh nhiệt, bình can và điều trị nhiều bệnh lý.
- Tên gọi khác: Bắp, Ngô, Bẹ, Lúa ngô, Ngọc mễ, Má khẩu lí (Thái), Hờ bo (Ba Na)
- Tên khoa học: Zea mays L.
- Họ: Thuộc họ Lúa – Poaceae
Mô tả dược liệu Râu ngô
1. Đặc điểm sinh thái cây Ngô
Cây ngô (bắp) là cây lương thực và là một cây thuốc quý có thể điều trị nhiều bệnh lý. Đặc điểm nhận dạng như sau:
Cây thân thảo cao khoảng 1,5 – 2,5 m. Thân dày, đặc, tương tự như thân tre, có đốt, các đốt cách nhau khoảng 20 – 30 cm.
Lá to, dài, bản rộng, méo có nhiều lông thô ráp.
Hoa đực có màu lục, tạo thành một bông dài tụ lại ngọn. Hoa cái tụ thành một bông to hình trụ ở nách lá và được bao bởi nhiều lá bắc dạng màng. Vòi nhụy có dạng sợi, màu vàng, túm lại thành chùm, có thể dài tới 20 cm. Đầu nhụy màu nâu hoặc tím sẫm.
Quả ngô hình trứng, có nhiều hạt, xếp khít nhau tạo thành 8 – 10 dây hạt. Hạt cứng, bóng, nhiều màu sắc, tuy nhiên màu phổ biến là màu vàng.
2. Dược liệu Râu ngô
Râu ngô hay còn gọi là vòi nhụy là bộ phận được ứng dụng làm thuốc. Ngoài ra, hạt ngô cũng có nhiều công dụng đối với sức khỏe.
3. Phân bố
Ngô có nguồn gốc ở châu Mỹ, được trồng ở đồng bằng và cả miền núi để lấy hạt làm lương thực.
Hiện tại, Ngô được trồng ở nhiều nơi để làm lương thực và thuốc.
4. Bào chế thuốc
Râu ngô sau khi thu hái, mang đi phơi thật khô. Nhặt bỏ các sợi râu màu đen, chỉ lấy những sợi màu nâu vàng óng và mượt.
5. Bảo quản
Bảo quản Râu ngô ở nơi kín, thoáng gió, tránh sâu bọ, nhiệt độ cao và nơi ẩm ướt.
6. Thành phần hóa học
Trong Râu ngô có chứa:
- 4 – 5% chất khoáng giàu muối Kali, đường, 2,8% Lipid, Sterol như Sitosterol và Stigmasterol, Tanin, tinh dầu, Allantoin.
- Trong 1 gram Râu ngô có chứa 1600 đơn vị sinh lý Vitamin K, Vitamin C.
Vị thuốc Râu ngô
1. Tính vị
Râu ngô có vị ngọt, tính bình có tác dụng bình can, lợi đàm, tiêu thũng, lợi niệu.
2. Quy kinh
Râu ngô quy vào kinh phế, tâm, can, thận.
3. Tác dụng dược lý
Râu ngô hay còn có tên là Ngọc mễ tu thường được sử dụng để lợi tiểu, điều trị cao huyết áp, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm túi mật, viêm gan gây cản trở bài tiết mật, thấp khớp, , tiểu đường, cao huyết áp,..
Ngoài ra, Râu ngô còn được sử dụng kết hợp với Vitamin K để cầm máu.
4. Cách dùng – Liều lượng
Cách dùng:
- Râu ngô có thể dùng ở dạng pha, sắc nước uống hoặc chế thành cao loãng.
- Mỗi ngày có thể sử dụng 10 – 20 gram Râu ngô. Khi dùng có thể sử dụng 10 gram rửa sạch cho vào 200 – 300ml nước đun và sử dụng dần.
- Nếu chế thành cao loãng, có thể đóng vào lọ uống ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3 thìa cà phê, trước bữa ăn.
Liều lượng sử dụng: Liều lượng khuyến cáo mỗi ngày là 30 – 40 gram.
Bài thuốc sử dụng Râu ngô
1. Chữa viêm thận và viêm bàng quang
Dùng Râu ngô 100g, Rau má, Ý dĩ, Mã đề mỗi loại 50g, Sài đất 40g nấu cùng 600 ml nước cho đến khi còn 250 ml.
Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 4 giờ.
2. Chữa viêm thận phù thũng
Sử dụng Râu ngô, Thóc lép, Mơ leo mỗi vị 30g, sắc uống mỗi ngày.
3. Chữa viêm túi mật, viêm gan, sỏi mật
Sử dụng Nhân trần bắc, Râu ngô mỗi loại 30g sắc nước uống mỗi ngày.
4. Chữa Huyết áp cao
Sử dụng nước Râu ngô mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần vài bát, liên tục trong 2 – 3 tháng có tác dụng giảm huyết áp.
5. Chữa
Hạt ngô ủ với nước cho mọc mầm, sau đó lấy mầm ngô sấy khô, tán bột, pha với nước uống mỗi ngày 20 – 30g.
Hoặc dùng 40 – 50g Râu ngô sắc lấy nước uống. Có thể phối với các vị thuốc khác như Mạch môn, Thiên môn, Tri mẫu, Cỏ ngọt để có hiệu quả tốt hơn.
6. Điều trị vàng da do viêm gan tắc mật
Sử dụng 40g Râu ngô pha với nước nóng uống như trà hàng ngày.
7. Trị ho ra máu
Sử dụng 50g Râu ngô nấu cùng 50g đường phèn. Mỗi ngày dùng 1 liều, chia thành 2 lần uống (sáng và tối), liên tục trong 5 ngày.
8. Chữa sỏi thận
Sử dụng 10g Râu ngô cho vào 200 ml nước sau đó mang đi đun cách thủy 30 phút, chắt lấy phần nước.
Nếu sắc nước Râu ngô thì sử dụng 10g Râu ngô cho vào 300 ml nước, đun sôi nhỏ lửa trong 30 phút.
Sử dụng mỗi lần khoảng 20- 60 ml, trước bữa ăn chính khoảng 3 – 4 giờ.
9. Điều trị các bệnh xuất huyết
Sử dụng một nắm Râu ngô đem đi sắc nước uống hàng ngày có thể cải thiện tình trạng băng huyết, xuất huyết tử cung, chảy máu chân răng, tiểu ra máu hoặc chảy máu niêm mạc.
Lưu ý khi sử dụng Râu ngô
Râu ngô là dược liệu lành tính được sử dụng rộng rãi để thanh nhiệt và bài trừ độc. Tuy nhiên, sử dụng Râu ngô cần chú ý liều lượng và nguồn gốc dược phẩm để tránh các tác dụng phụ đến sức khỏe của người dùng.
Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng Râu ngô như sau:
- Chọn nguồn cung cấp Râu ngô chất lượng và uy tín. Bởi vì Râu ngô nhiễm thuốc trừ sâu có thể gây hại cho sức khỏe của người bệnh.
- Rửa sạch Râu ngô trước khi sử dụng để tránh bụi bẩn hoặc các loại hóa chất khác.
- Chọn sản phẩm Râu ngô có sợi to, bóng, mượt, màu nâu óng như nhung.
- Không uống quá nhiều lần trong ngày hoặc sử dụng liên tục hơn 10 ngày.
- Phụ nữ có thai cần trao đổi với thầy thuốc để sử dụng Râu ngô một cách an toàn.
- Cần cẩn thận khi sử dụng kèm các loại thuốc lợi tiểu hoặc các loại thực phẩm chức năng khác.
- Không dùng thay nước lọc cho trẻ nhỏ.
Sử dụng Râu ngô có thể thanh nhiệt ngày hè và bày độc ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, người dùng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để sử dụng an toàn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.