Một dược còn được gọi tên khác là Mạt dược, thuộc họ Trám. Trong Đông y cổ truyền, Một dược có vị đắng, tính ôn, quy vào kinh Tâm, Can và Tỳ có tác dụng giảm đau, giảm sưng của các vết thương, ức chế các loại nấm, vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Ngoài ra, dược liệu này còn được sử dụng để hạ lượng lipit trong máu.
1. Tên gọi – Chủng loại
- Tên gọi khác: Mạt dược
- Tên dược: Myrrha
- Tên khoa học: Commiphora myrrha Engler
- Họ: Thuộc họ Trám (Burseraceae)
2. Đặc điểm sinh thái
+ Mô tả: Một dược là chất nhựa tụ lại thành cục nhỏ, từng khối với hình dạng không giống nhau của cây cùng tên. Gôm nhựa có kích thước to bằng quả mận, lớp bên ngoài có màu nâu đỏ, bên trong sáng bóng, mùi thơm, vị đắng. Một dược là loài cây nhỏ có gai, cây cao khoảng 3 mét, ít phân cành và nhánh. Lá mọc cánh, lép kép gồm ba lá chét có màu lục xám. Hoa một dược nhỏ, màu trắng, mọc ở nách lá. Qủa hạch có hai ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt
+ Phân bố: Một dược thường mọc hoang ở những vùng nhiệt đới, chủ yếu ở hai bên bờ biển Hồng Hải và bán đảo Arabian. Hiện nay, dược liệu này chưa tìm thấy ở nước ta, chủ yếu là nhập khẩu từ các nước khác.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
+ Bộ phận dùng: Dùng phận nhựa cây chảy tự nhiên từ kẽ nứt của cây một dược để làm thuốc.
+ Thu hái: Dùng dao hoặc dụng cụ sắt nhọn để rạch vào phần thân vỏ của cây một dược để nhựa chạt ra đối với những cây đã trưởng thành.
+ Chế biến: Nhặt bỏ các tạp chất còn bám vào phần nhựa rồi tán thành bột cùng với Đăng tâm, hoặc sao qua rồi mới tán thành bột. Bên cạnh đó, có thể bào chế bằng cách khác, cho một ít rượu vào cùng một dược rồi nghiền nát, sau đó đem phơi khô hoặc nghiền tán với bột nếp.
+ Bảo quản: Bảo quản dược liệu ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ẩm, cần bảo quản trong bao bì để sử dụng được nhiều lần.
4. Thành phần hóa học
Thành phần có trong Một dược:
- Chất dầu, chất keo, tinh dầu (Trung dược học)
- Heerabomyrrholic acid, Heerabomyrrhol, Heeraboresene, Commiphoric acid, Commiphorinic acid (Trung Quốc Y học Khoa học Viện Dược Vật Nghiên cứu, Trung thảo Dược hữu hiệu thành phần đích nghiên cứu)
5. Tính vị
- Vị cay, đắng, tính bình (Trung dược học)
- Vị cay, đắng (Dược tính luận)
- Vị cay, đắng, tính ấm, không độc (Hải dược bản thảo)
- Vị đắng, tính bình, không độc (Khai bửu bản thảo)
6. Quy kinh
Một dược được quy vào các kinh sau:
- Kinh Tâm, Can, Tỳ (Trung dược học)
- Kinh Túc quyết âm (Bản thảo kinh sơ)
- Kinh Tỳ, Thận (Bản thảo tân biên)
- Kinh Tâm, Can (Bản thảo cầu chân)
7. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Chưa được nghiên cứu.
Theo Y học cổ truyền
Trong Đông y, Một dược có những công dụng sau:
- Ức chế các loại nấm gây bênh ngoài da
- Tác dụng hạ lượng mỡ trong máu
- Hoạt huyết
- Giảm đau, giảm sưng tấy
- Trị ung nhọt sưng đau
- Trị thống kinh, bế kinh ở phụ nữ
- Chữa lành các vết thương do đánh đập, té ngã
8. Liều dùng – Cách dùng
+ Liều dùng: Dùng 3 – 10 gram mỗi ngày, có thể dùng một mình Một dược hoặc kết hợp với các vị thuốc khác tùy thuộc vào từng bài thuốc.
+ Cách dùng: Đem Một dược và các vị thuốc khác đem tán thành bột mịn, có thể thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Dùng mỗi ngày cùng với nước nóng hoặc rượu nóng. Ngoài ra, có thể sử dụng Một dược để đắp lên các vết thương.
9. Bài thuốc từ Một dược
Một dược được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc Đông y cổ truyền, bạn đọc có thể tham khảo các bài thuốc dưới đây và áp dụng để điều trị bệnh.
Bài thuốc từ Một dược trị các vết thương bầm tím cho bị đánh đập, đau nhức gân và xương:
- Dùng Một dược, Xuyên khung, Nhũ hương, Xuyên tiêu, Đương quy, Xích thược cùng với Tự nhiên đồng. Đem tất cả các nguyên liệu trên, thái nhỏ rồi tán thành bột mịn, thêm một ít sáp ong rồi hoàn thành viên có kích thước bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần sử dụng 10 gram cùng với nước.
Bài thuốc từ Một dược trị đau lưng do bị chấn thương:
- Dùng Một dược và Nhũ hương với liều lượng bằng nhau rồi đem tán thành bột mịn. Dùng 30% rượu chế thuốc thành hồ rồi đem đắp lên vị trí đau ở lưng, thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc từ Một dược trị sưng đau do té ngã:
- Dùng Một dược và Nhũ hương mỗi vị 5 gram; Bạch chỉ, Đương quy và Bạch truật mỗi vị 10 gram cùng với Nhục quế và Cam thảo mỗi vị 3 gram. Đem một thang thuốc trên tán thành bột mịn, sử dụng mỗi lần 6 – 10 gram cùng với rượu nóng, uống mỗi ngày 3 lần.
Bài thuốc từ Một dược trị đau dạ dày, bế kinh ở phụ nữ:
- Dùng 5 gram Một dược, Hương phụ và Ngũ linh chi mỗi vị 6 gram cùng với 10 gram Diên hồ sách. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn, sử dụng 8 – 10 gram/ lần cùng với nước hoặc rượu nóng, uống mỗi ngày 2 – 3 lần.
Bài thuốc từ Một dược trị mụn nhọt gây sưng, đau:
- Dùng Một dược và Nhũ hương mỗi vị 5 gram, 3 gram Hùng hoàng cùng với 0,1 gram Xa hương. Đem các nguyên liệu trên tán thành bột mịn, hòa một ít mật rồi hoàn thành viên. Sử dụng 3 – 6 gram mỗi ngày cùng với nước ấm, uống mỗi ngày 2 ngày (buổi sáng sớm và buổi tối).
- Dùng Một dược cùng với Nhũ hương mỗi vị 10 gram, đem tán thành bột rồi đắp lên vùng da bị mụn nhọt, sưng đau.
Bài thuốc từ Một dược trị lipit huyết cao:
- Đen một lượng Một dược tán thành một mịn rồi hoàn thành viên với trọng lượng là 0,1 gram. Sử dụng mỗi ngày 2 – 3 viên cùng với nước ấm, uống mỗi ngày 3 lần.
10. Lưu ý khi dùng
+ Thận trọng:
Trong quá trình điều trị bằng vị thuốc Một dược, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Không sử dụng Một dược để điều trị bệnh cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu này.
- Các bài thuốc từ Một dược chống chỉ định với phụ nữ mang thai, bởi thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
- Bệnh nhân bị bệnh dạ dày cần thận trọng khi sử dụng Một dược.
+ Kiêng kỵ:
- Phàm khớp xương đau và ngực bụng sườn xương sườn đau do khí hư: Không dùng.
- Phụ nữ sau sinh bụng hư đau, ác lộ chợt ra nhiều: Không dùng.
- Ung nhọt, mụn nhọt đã vỡ bọc nước: Không dùng.
- Mắt đỏ có màng không phải huyết nhiệt nặng: Không dùng.
Chúng tôi vừa chia sẻ cho bạn đọc những thông tin cần thiết về dược liệu Một dược cũng như công dụng điều trị bệnh của dược liệu này. Tuy nhiên, bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này khi chưa có chỉ định. Tốt nhất, bệnh nhân nên đi đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.