Kê nội kim là lớp màng bao phủ bên trong mề hoặc bên trong dạ dày con của con gà. Với tác dụng an vị, kiện Tỳ, tiêu thực, lợi thấp, lý khí, cố tinh, vị thuốc này được dân gian sử dụng để trị chứng cam tích ở trẻ nhỏ, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng mãn tính, sỏi mật, sỏi tiết niệu và chứng liệt dương ở nam giới.
- Tên gọi khác: Kế tố tử, Màng mề gà, Kê chuân bì, Kê hoàng bì.
- Tên dược: Endothelium corneum gigeriae Galli
- Tên khoa học: Gallus domesticus Brisson
- Họ: Trĩ (danh pháp khoa học: Phasianidae)
Mô tả dược liệu kê nội kim
1. Nguồn gốc
Dược liệu kê nội kim là lớp màng bao phủ dạ dày con hoặc bao phủ mặt bên trong của mề gà. Kê nội kim dùng làm thuốc được ghi chép đầu tiên trong sách Bản kinh.
2. Mô tả
Màng mề gà có màu nâu hoặc cam, trên bề mặt có các đường nhăn dọc. Khi phơi/ sấy khô, dược liệu có bề dày khoảng 5mm, rộng 3cm, dài 3.5cm, giòn và dễ gãy vụn.
3. Phân bố
Hầu hết những địa phương nuôi gà (Gallus domesticus) đều cho dược liệu Kê nội kim.
4. Thu hoạch– sơ chế
Sau khi mổ gà, đem bóc màng bao phủ bên trong mề gà, rửa cho thật sạch, sau đó đem sấy hoặc phơi khô. Khi dùng, nên cho dược liệu sấy với cát cho phồng lên.
Ngoài ra, có thể bào chế dược liệu theo những cách sau:
- Dùng sống hoặc nướng/ sao lên dùng.
- Mổ gà, lấy màng mề gà đem rửa sạch, phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Dược liệu dễ bị vụn nát và mối mọt, vì vậy nên bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, đồng thời tránh để vật nặng lên khiến dược liệu vỡ, nát.
6. Thành phần hóa học
Màng mề gà chứa keratin, 17 loại amino acid, pepsin, ventriculin, ammonium chloratum, vitamin B1, B2,…
Vị thuốc kê nội kim
1. Tính vị
Vị ngọt, tính bình.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Bàng quang, Tiểu trường, Vị và Tỳ.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Tác dụng: An vị, hóa đờm, khoan trung, kiện Tỳ, tiêu thực, tiêu hầu tý, lợi thấp, lý khí, cố tinh,…
- Chủ trị: Lỵ, tiêu chảy, ăn uống không tiêu, tiểu nhiều, cam tích, sữa tích trệ, trưng hà, bế kinh, huyền tích, đái dầm, di tinh, rối loạn tiêu hóa, cổ họng sưng đau, nhũ nga (viêm amidan), lở miệng,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Dược liệu làm tăng tiết dịch vị hoặc làm hưng phấn thần kinh cơ trong thành dạ dày, từ đó giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Thành phần ammonium chloratum trong dược liệu có tác dụng bài tiết chất phóng xạ.
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng ở dạng sắc hoặc tán bột uống, tuy nhiên dùng thuốc ở dạng tán bột có tác dụng tốt hơn. Liều dùng thông thường: 2 -12g/ ngày.
Bài thuốc & món ăn trị bệnh từ dược liệu kê nội kim
1. Bài thuốc trị chứng đái dầm sau khi sinh
- Chuẩn bị: Kê nội kim liều vừa đủ.
- Thực hiện: Dùng tán thành bột và uống cùng với rượu ấm.
2. Bài thuốc trị chứng cam tích ở trẻ nhỏ đặc trưng bởi triệu chứng ăn ít, bụng đầy trướng
- Chuẩn bị: Kê nội kim (sao) 60g.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4 – 6g uống với nước ấm hoặc nước cơm.
3. Bài thuốc trị bụng to do cam tích
- Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp 8g, miết giáp (nướng) 30g và kê nội kim 12g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng 1.5 – 3g uống trong một lần.
4. Bài thuốc trị chứng viêm đại tràng mãn tính
- Chuẩn bị: Bạch truật 10g và kê nội kim (sao) 10g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 4 – 6g, ngày dùng 2 lần.
5. Bài thuốc trị bệnh tiêu chảy kéo dài do tỳ hư
- Chuẩn bị: Đại táo nhục 240g (chưng chín), can khương, kê nội kim và bạch truật mỗi vị 60g.
- Thực hiện: Đem các vị sao chín, tán thành bột mịn và trộn với thịt đại táo làm thành bánh, đem sấy khô. Mỗi lần dùng 10g, ngày dùng 2 lần.
6. Bài thuốc trị sỏi tiết niệu
- Chuẩn bị: Hỏa tiêu và kê nội kim mỗi vị 10g, hoạt thạch và cam thảo mỗi vị 15g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 2 – 6g, ngày dùng 2 lần.
7. Bài thuốc trị chứng sạn thận và sạn mật
- Chuẩn bị: Hải kim sa, kim tiền thảo và hồ đào mỗi vị 15g, uất kim 10g, kê nội kim 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
8. Bài thuốc trị bệnh viêm lợi răng, viêm amidan, viêm miệng
- Chuẩn bị: Kê nội kim (đốt tồn tính).
- Thực hiện: Tán bột mịn, thoa lên vùng bị viêm và loét. Có thể trộn đều với dầu mù u thoa lên mụn nhọt.
9. Bài thuốc trị nốt ruồi
- Chuẩn bị: Kê nội kim sống 20g.
- Thực hiện: Ngâm với 200ml nước trong 2 – 3 ngày, sau đó bôi lên nốt ruồi từ 5 – 6 lần/ ngày trong liên tục 10 ngày.
10. Cháo kê nội kim trị chứng tiêu hóa kém ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Gạo tẻ 100g và kê nội kim (sao phồng) 15g.
- Thực hiện: Nấu gạo thành cháo, kê nội kim tán bột và hòa với cháo. Sau đó nêm thêm đường hoặc muối, ăn 1 – 2 lần/ ngày.
11. Bài thuốc trị chứng suy dinh dưỡng và tiêu chảy ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Gạo nếp 50g, hoài sơn 30g và kê nội kim 1 cái.
- Thực hiện: Đem gạo nấu thành cháo, dược liệu đem sao vàng và tán bột. Sau khi cháo chín, cho 5g bột thuốc vào và ăn từ 1 – 2 lần/ ngày liên tục trong vòng 1 tuần.
12. Bài thuốc trị trẻ nhỏ chán ăn, ngủ không yên và bụng đầy trướng
- Chuẩn bị: Kê nội kim 30g.
- Thực hiện: Rửa sạch, phơi khô, sao vàng và tán thành bột. Mỗi lần dùng một ít bột thuốc trộn thêm đường và uống 3 lần/ ngày. Trẻ từ 6 tuổi trở lên dùng 1.5g/ lần, trẻ từ 3 – 5 tuổi dùng 1g/ lần và trẻ dưới 3 tuổi dùng 0.5g/ lần.
13. Lươn chưng trị chứng ra mồ hôi trộm, ăn không tiêu, biếng ăn ỏ trẻ
- Chuẩn bị: Lươn 1 con và kê nội kim 6g.
- Thực hiện: Lươn đem rửa sạch cho hết nhớt và đem cát khúc. Kê nội kim tán bột và đem tẩm ướp với lươn, sau đó nêm thêm gia vị và chưng cho chín. Cho trẻ ăn khi nóng, ngày ăn 1 lần.
14. Bài thuốc trị chứng viêm loét dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: Bột cam thảo đã khử 0.2g, bột gạo nếp rang thơm 2g, bột mịn kê nội kim 4g và bột mịn mai mực 4g.
- Thực hiện: Trộn đều thành 1 gói, ngày dùng 2 gói sau khi ăn.
15. Bài thuốc trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Mạch nha, trần bì, kha tử, kê nội kim và phòng phong mỗi vị 5 – 10g, mộc hương 3 – 5g, sơn tra và cát căn mỗi vị 5 – 20g.
- Thực hiện: Sắc uống.
16. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa kéo dài, viêm loét dạ dày
- Chuẩn bị: Linh chi, trần bì, kê nội kim, sinh khương, ngũ bội tử, sa nhân, bạch truật và đảng sâm, gia giảm liều lượng theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
17. Bài thuốc trị sỏi mật bằng Kê nội kim
- Chuẩn bị: Kim tiền thảo, uất kim, kê nội kim và hải kim sa, gia giảm liều theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
18. Bài thuốc trị chứng ăn không tiêu, bụng đau và đầy trướng
- Chuẩn bị: Chích cam thảo, kê nội kim và thương truật mỗi vị 6g, sao cốc nha 10g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
19. Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu kèm sạn
- Chuẩn bị: Cù mạch, biển súc, hoạt thạch, mộc thông, sơn chi tử, đại hoàng và chích cam thảo bằng lượng nhau, gia thêm 1 ít kim tiền thảo, hải kim sa và kê nội kim.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng khoảng 6 – 12g uống với nước sắc đăng tâm.
20. Bài thuốc trị chứng tiểu đường thể nhẹ và trung bình
- Bài thuốc 1: Hoàng kỳ, tri mẫu, hoa phấn và cát căn mỗi vị 12g, sơn dược 24g, ngũ vị tử 6g và kê nội kim 8g. Đem các vị sắc uống.
- Bài thuốc 2: Hoài sơn 20g, hoàng kỳ 16g, ngũ vị tử 6g, kê nội kim 8g, thiên hoa phấn và tri mẫu mỗi thứ 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
21. Bài thuốc trị chứng tỳ vị hư nhược khiến người mệt mỏi, tiêu chảy và ăn uống kém
- Chuẩn bị: Đại táo và nhân sâm (tỷ lệ 4:1), gia thêm kê nội kim, can khương và bạch truật.
- Thực hiện: Tán bột, làm thành hoàn uống.
22. Bài thuốc trị chứng tiểu ít, cổ trướng nhẹ do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Trần bì, hậu phác và mộc thông mỗi vị 6g, la bặc tử, hạnh nhân, kê nội kim và thông thảo mỗi vị 10g, hải kim sa mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
23. Bài thuốc trị bệnh viêm gan do siêu vi mãn tính
- Chuẩn bị: Đương quy 10g, xích thược 20g, kê nội kim 15g, sài hồ 10g, tang ký sinh 30g, phục linh 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, chỉ xác 10g, uất kim 10g, bạch thược 15g, sao cốc nha 15g, tam thất 3g (chiêu uống), sinh hoàng kỳ 20g, sinh cam thảo 6g và sao mạch nha 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước, sau đó dùng chiêu với tam thất, uống mỗi ngày dùng 1 thang liên tục trong vòng 6 tháng.
24. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đại tràng
- Chuẩn bị: Bại tương thảo, thổ phục linh, rau sam, bạch thược, kê nội kim và khổ sâm mỗi vị 20g, cam thảo 6g, xạ hương 4g, huyền hồ 10g, xuyên hậu phác 10g, tam lăng 10g, hồng đằng 12g và hoàng liên 8g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
25. Bài thuốc trị chứng đầy bụng, ăn không tiêu
- Chuẩn bị: Kê nội kim.
- Thực hiện: Tán bột, dùng khoảng 2 – 4g uống với sữa.
26. Bài thuốc trị chứng nôn mửa do hẹp môn vị, viêm dạ dày cấp gây hẹp môn vị
- Chuẩn bị: Kê nội kim sao tồn tính.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, dùng uống với rượu.
27. Bài thuốc trị sỏi đường tiết niệu
- Chuẩn bị: Lộ lộ thông 15g, trân châu mẫu 60g, kê nội kim 12g, ti qua lạc 12g, mạch đông 9g, vương bất lưu hành 15g, trạch tả 12g, phù thạch 15g, hải kim sa 15g, tiểu hồi 9g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
28. Bài thuốc trị chứng sỏi thận
- Chuẩn bị: Mộc thông 5g, kim tiền thảo 50g, hổ phách 1 ít (để riêng), tỳ giải 9g, kê nội kim 10g, hải kim sa 15g, ý dĩ 12g, ngưu tất 15g, cam thảo sao 12g, ngưu tất 15g, đông quỳ tử 12g và nhũ hương 9g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu sắc lấy nước uống cùng với bột hổ phách. Mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
29. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh liệt dương
- Chuẩn bị: Hạt cây hẹ 90g và kê nội kim 45g.
- Thực hiện: Đem sấy khô, tán bột mịn, mỗi lần dùng 3g uống với nước sôi pha 1/3 rượu. Ngày dùng 3 lần trong thời gian dài.
30. Bài thuốc trị bệnh sỏi mật
- Chuẩn bị: Cam thảo nam 6g, râu bắp 12g, kê nội kim 10g, nghệ vàng 10g, muồng trâu, chỉ xác, nhân trần, mộc hương và bồ công anh mỗi vị 15g, mã đề 16g, kim tiền thảo 30g và rau má 20g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
31. Bài thuốc chữa chứng ho gà
- Chuẩn bị: Mật ong 50g, kê nội kim 10g và tỏi 10 nhánh, mã thầy 500g.
- Thực hiện: Đem kê nội kim sao vàng, tán bột, mã thầy và tỏi ép lấy nước. Sau đó trộn đều các vị thuốc và đun sôi, mỗi lần dùng 10ml, ngày dùng 2 lần.
32. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng xơ gan
- Chuẩn bị: Nhục quế và kê nội kim mỗi vị 4g, chỉ xác 6g, rễ vân mộc hương 6g, trạch tả, bạch truật, phụ tử chế, hoài sơn và xa tiền tử mỗi vị 12g, ý dĩ 16g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống hằng ngày, áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 1 tháng.
33. Bài thuốc chữa chứng ăn uống không tiêu, khó khăn khi đại tiện
- Chuẩn bị: Cháy cơm 150g, kê nội kim 3g, sơn tra, hạt sen, thần khúc mỗi vị 12g, sa nhân 6g, gạo tẻ 300g.
- Thực hiện: Đem các nguyên liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 12g uống với nước ấm, mỗi ngày dùng từ 2 – 3 lần cho đến khi khỏi.
34. Bài thuốc trị sỏi tiết niệu
- Chuẩn bị: Hoa hòe 10g, tiên hạc thảo 15g, kê nội kim 8g, hải kim sa 15g, cam thảo 6g, kim tiền thảo 30g, biển súc 12g, sơn chi 12g, mộc thông 9g, hoạt thạch 15g, đại hoàn (cho vào sau) 6g, xa tiền tử 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 3 lần dùng hết trong ngày.
Kiêng kỵ và lưu ý khi dùng kê nội kim
- Không bị tích trệ không nên sử dụng dược liệu kê nội kim.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc khi dùng cho phụ nữ mang thai và người có tình trạng sức khỏe đặc biệt.
Thông tin về vị thuốc kê nội kim (màng mề gà) trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Nếu bạn có ý định dùng dược liệu này để chữa bệnh, vui lòng liên hệ với thầy thuốc để được hướng dẫn cách thực hiện bài thuốc và thời gian sử dụng cụ thể.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.