Tên gốc: Hoa cúc trắng
Tên gọi khác: Bạch hoa
Tên khoa học: Chrysanthemum maximum
Tên tiếng Anh: Daisy
Tìm hiểu chung về hoa cúc trắng
Hoa cúc được trồng ở Việt Nam từ rất lâu và vốn được biết là một loại dược liệu quý dùng để chữa bệnh. Hoa cúc trắng là loại cây thân nhỏ, cao khoảng 0,5 – 1m, toàn thân có lông trắng, mềm. Hoa cúc trắng mọc ở đầu cành hay kẽ lá, đường kính 2,5 – 5cm, màu trắng đẹp.
Hoa cúc thường được thu hoạch vào lúc hoa còn chưa nở và phơi khô trong bóng râm hay sấy khô từ từ ở nhiệt độ thấp. 5 – 6kg hoa tươi cho ra 1kg hoa cúc khô. Tuy nhiên, nếu dùng làm thuốc, bạn nên chọn hoa cúc trắng tươi sẽ có hiệu quả hơn so với hoa cúc trắng khô.
Hoa cúc trắng dùng để làm gì?
Hoa cúc trắng có thể dùng để giảm đau và trị tiêu chảy, ho và co thắt đường tiêu hóa. Một số người dùng hoa cúc làm trà trị chứng ho, viêm phế quản, rối loạn gan, thận và các bệnh viêm. Người ta cũng sử dụng hoa cúc làm thuốc, làm đẹp da và thanh lọc máu.
Hoa cúc có thể được bôi lên da để chữa các vết thương và các bệnh ngoài da.
Cơ chế hoạt động của hoa cúc trắng là gì?
Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đã có vài nghiên cứu cho thấy thành phần triterpenoid glycoside của hoa cúc có khả năng kháng nấm. Một thành phần của hoa cúc là thujone có thể làm tăng tiết nước bọt và máu chảy, cũng như có thể làm thư giãn tinh thần.
Các bài thuốc từ hoa cúc trắng
Bài thuốc điều trị tăng huyết áp: 10g cúc trắng, 8g hoa hòe, 3g lạc nhân. Tất cả rửa sạch, cho vào 550ml nước, sắc còn 250ml, chia uống 10 lần.
Bài thuốc chữa đau đầu do thay đổi thời tiết: 9g cúc trắng, 3g hoa nhài, 10g rau má, 5g cúc bách nhật. Tất cả rửa sạch, đổ 700ml nước, đun còn 300ml nước, chia uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc chữa hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ: 10g cúc trắng, 12g ngải cứu, 8g rau má, 10g hoa thiên lý, 8g lá đinh lăng. Tất cả rửa sạch, cho 700ml nước, sắc còn 250ml nước, chia 3 lần uống trong ngày. Bạn cần uống 5 ngày liền.
Bài thuốc trị viêm amidan mạn tính: 40g cúc trắng, 30g tía tô, sắc uống thay trà hằng ngày.
Bài thuốc giúp sáng mắt: Uống trà cúc trắng mỗi ngày sẽ giúp mắt sáng và trẻ lâu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là những bài thuốc này chỉ dùng cho người bị bệnh nhẹ hoặc dùng kết hợp với thuốc điều trị. Người bị bệnh nặng cần đến bác sĩ khám và cho đơn thuốc tích hợp.
Trà hoa cúc trắng
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho rằng trà hoa cúc trắng đem đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe:
Tăng cường hệ miễn dịch
Trà hoa cúc có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, kích thích sản sinh các tế bào chống bệnh tật, giúp các cơ quan chức năng chống lại nhiễm trùng, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Kiểm soát đường huyết
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà hoa cúc có thể giúp bệnh nhân mắc đái tháo đường kiểm soát tốt lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Giải nhiệt, tiêu độc, nhuận gan
Trong Đông y, trà hoa cúc thường được dùng kết hợp với kim ngân hoa và bồ công anh để tiêu độc, chữa mụn nhọt, ghẻ ngứa và viêm gan cấp tính. Ngoài ra, uống trà hoa cúc hàng ngày còn có thể giúp giải nhiệt, điều trị bệnh phát ban.
Trị mất ngủ, điều hòa thần kinh
Từ xa xưa, trà hoa cúc được mệnh danh là liều thuốc ngủ tự nhiên. Uống trà hoa cúc mỗi ngày, bạn sẽ có giấc ngủ ngon và sâu hơn. Ngoài ra, hoa cúc trắng còn giúp giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và dịu bớt căng thẳng thần kinh.
Tăng cường tiêu hóa
Không những vậy, trà hoa cúc còn giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, loại bỏ các rối loạn tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hấp thu và chuyển hóa dưỡng chất tốt hơn.
Tăng cường thị lực
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống trà hoa cúc thường xuyên có thể giúp cải thiện tình trạng mắt bị đau, khô, đỏ do đọc sách hay làm việc với máy tính liên tục. Đối với người mắt mờ, thị lực yếu, trà hoa cúc có tác dụng cải thiện thị lực rất tốt.
Chữa đau bụng kinh
Trà hoa cúc có tác dụng giảm co thắt cơ tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt, giúp giảm cảm giác đau bụng kinh, khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu hoa cúc thoa vào vùng bụng dưới mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.
Giải cảm
Từ xa xưa, các danh y đã sử dụng trà hoa cúc thêm hoa kim ngân và bạc hà để chữa phong hàn, cảm lạnh, sốt cao, sưng tấy và nhức đầu. Thảo dược này sẽ giúp bạn giải cảm chỉ sau vài giờ.
Cách pha trà hoa cúc
Cho 1 – 2 hoa cúc khô hoặc 1 – 2 thìa bột hoa cúc khô vào tách trà, rót nước nóng và ngâm trong vài phút. Để dễ uống, bạn có thể thêm mật ong, cam thảo, atisô… để tăng hương vị. Bạn có thể uống trà hoa cúc cả ngày hoặc uống trước khi đi ngủ 30 phút để làm ấm cơ thể.
Dưỡng da với hoa cúc trắng
Hoa cúc có chứa nhiều loại tinh dầu, có tác dụng giúp hạn chế các sắc tố đen dưới da nên tránh được hiện tượng nám da, đồng thời làm mềm lớp biểu bì, giúp đẩy lùi các hạt bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông ra ngoài. Để dưỡng da với hoa cúc, bạn có thể thử một số cách sau:
Cách 1: Cho 100g hoa cúc, 1 nhúm lá hương thảo tươi hoặc khô vào ly nước lạnh rồi đun sôi. Dùng dung dịch này rửa nhẹ nhàng lên vùng trán, mặt và cổ. Cách làm này có hiệu quả rất tốt, đặc biệt là khi da bị ngứa, nổi mẩn và dị ứng.
Cách 2: Rửa sạch 10 bông hoa cúc trắng, để ráo nước, cho vào 250ml nước và 1/3 muỗng muối, đun lửa nhỏ cho đến khi nước sôi. Lọc bỏ xác hoa, lấy nước hoa cúc hòa với 2 muỗng nhỏ mật ong. Rửa sạch mặt bằng nước ấm, dùng bông gòn thấm hỗn hợp trên thoa đều lên mặt, để khoảng 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm.
Cách 3: Nếu bạn có làn da không hợp với mật ong thì lấy 5 bông hoa cúc trắng, tách và giã nát rồi trộn với lòng trắng trứng gà, bôi đều lên da, để khoảng 15 phút rồi rửa lại với sữa rửa mặt.
Cách làm mặt nạ hoa cúc
Chuẩn bị: 1 củ cà rốt, 1 lòng trắng trứng, 1,5 thìa hoa cúc khô.
Thực hiện: Cho hoa cúc vào bát, đổ khoảng 3 thìa nước sôi và ngâm khoảng 20 phút. Cà rốt rửa sạch, cạo vỏ, nghiền nhỏ, đánh bông lòng trắng trứng. Vớt bỏ bã hoa cúc, lấy nước ngâm hoa đổ vào cà rốt, cho lòng trắng trứng vào, trộn đều hỗn hợp. Thoa lên mặt trong vòng 10 – 15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Phương pháp này có tác dụng rất tốt đối với làn da. Lòng trắng trứng giúp giảm lượng dầu trên mặt, làm se lỗ chân lông. Cà rốt giúp loại bỏ và hạn chế mụn đầu đen trong khi hoa cúc có tác dụng cải thiện và làm sáng da.
Liều dùng hoa cúc trắng
Liều dùng thông thường của hoa cúc trắng là gì?
Liều dùng của hoa cúc trắng có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Hoa cúc trắng có thể không an toàn. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Dạng bào chế của hoa cúc trắng là gì?
Vị thuốc này có thể có dạng cây và hoa phơi khô.
Tác dụng phụ của hoa cúc trắng
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng hoa cúc trắng?
Hiện chưa có đủ thông tin về tác dụng phụ của hoa cúc. Không phải ai cũng có biểu hiện các tác dụng phụ. Có thể có các tác dụng phụ không được người dùng nhận biết. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Điều cần thận trọng khi dùng hoa cúc trắng
Trước khi dùng hoa cúc trắng, bạn nên biết những gì?
Lưu trữ thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa nhiệt độ và độ ẩm. Những quy định cho hoa cúc trắng ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng hoa cúc trắng nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của hoa cúc trắng như thế nào?
Không nên dùng hoa cúc cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Hoa cúc trắng có thể tương tác với những gì?
Hoa cúc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng hoa cúc trắng.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.