Hoàng cầm có rất nhiều tác dụng như tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt, chỉ huyết, thanh thai nhiệt. Thường được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa sốt ho, nhức đầu, ung nhọt, điều kinh, kiết lỵ…
- Tên gọi khác: Thử vĩ cầm, Hoàng văn, Điều cầm, Không trường, Tửu cầm…
- Tên khoa học: Scutellaria baicalensis.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Hoàng cầm là loại cây thân thảo sống nhiều năm, có chiều cao trung bình khoảng từ 20 – 50cm. Phần rễ cây phình to thành hình chùy, mặt bên ngoài màu vàng sẫm và khi bẻ ra sẽ thấy màu sáng hơn.
Thân cây mọc đứng, phân nhánh, hình vuông, nhẵn hay có lông ngắn phía ngoài. Lá mọc đối có cuống rất ngắn hoặc đôi khi không cuống. Phiến lá có hình mạc hẹp, mép nguyên, đầu hơi tù, chiều dài khoảng 1,5 – 4cm, rộng khoảng từ 3 – 10mm. Mặt trên lá có màu xanh sẫm còn mặt phía dưới là màu xanh nhạt.
Hoa của cây có màu lam tím, mọc ở đầu cành. Phần cánh gồm có 2 môi với 4 nhị màu vàng, bầu có 4 ngăn.
2. Bộ phận dùng
Phần rễ chính là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Hoàng cầm là dược liệu chủ yếu sống ở cùng cao nguyên đất vàng, sườn núi hướng về phía mặt trời mọc. Điển hình nhất là ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Hiện nay, dược liệu đang được thí nghiệm di thực vào những vùng khí hậu mát ở nước ta.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu thường được thu hái vào mùa xuân hay mùa thu. Tiến hành đào lấy rễ và cắt bỏ phần rễ con rồi rửa sạch đất cát. Tiếp đến phơi cho hơi khô rồi cạo bỏ phần vỏ bên ngoài và tiếp tục phơi lại cho khô hoàn toàn.
Hướng dẫn bào chế theo ghi chép từ một số tài liệu y học cổ:
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Sao với rượu nếu dùng để điều trị các bệnh ở phần trên cơ thể. Còn trường hợp dùng để tả hỏa Can, Đởm thì lại sao với nước mật lợn.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Tiến hành bỏ phần đầu và ruột đen rồi rửa sạch và ủ kín qua 1 đêm cho mềm ra. Sau đó bào mỏng và phơi khô. Sau khi khơi khô sẽ tẩm rượu trong 2 giờ rồi sao qua.
5. Bảo quản
Dược liệu đã qua sơ chế cần để ở trong túi kín và bảo quản nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm thấp.
6. Thành phần hóa học
Sau đây là một số thành phần được ghi nhận có trong dược liệu hoàng cầm:
- Baicalei
- Wogonoside
- Baicalein
- b-Sitosterol
- Skullcapflavone
- 7-Trihyroxy-6-Methoxyflavanone
- Benzoic acid
- Wogoside
- Oroxylin Oroxylin A
- Wogonin
Vị thuốc hoàng cầm
1. Tính vị
Theo ghi chép từ các tài liệu y học cổ truyền thì dược liệu có vị đắng, tính hàn và không có độc.
2. Quy kinh
Dược liệu được quy vào các kinh Đại trường, Tâm, Phế, Đởm, Bàng quang…
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Tả phế hỏa, trừ thấp nhiệt, tiêu cốc, chỉ huyết, an thai, tiết lợi, hạ huyết bế…
- Chủ trị: Ho do phế nhiệt, tiêu chảy, mụn nhọt, mắt đỏ sưng đau, đau bụng, chảy máu cam, tiêu ra máu, rong kinh, động thai…
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng đối với huyết áp: Cả dịch truyền, nước sắc và cồn của dược liệu có tác dụng hạ huyết áp.
- Tác dụng chuyển hóa lipit: Nước sắc từ dược liệu có khả năng hạ lipid ở những người được điều trị bằng Thyroid hay ở người thực hiện chế độ kiêng cholesterol trong vòng 7 tuần.
- Tác dụng đối với vị trường: Cồn chiết và nước sắc từ hoàng cầm có tác dụng ức chế nhu động ruột.
- Tác dụng kháng khuẩn: Dược liệu có khả năng kháng khuẩn phổ rộng. Thực nghiệm cho thấy hoàng cầm có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, não mô viêm Neisseria, trực khuẩn bạch cầu, trực khuẩn lao, nấm da và Leptospira…
- Tác dụng miễn dịch: Thành phần Baicalein trong hoàng cầm có khả năng ức chế tế bào giải phóng enzyme. Từ đó đem lại tác dụng ngăn ngừa dị ứng. Đồng thời Baicalin và Baicalein còn được chứng minh là có khả năng giãn phế quản trong thực nghiệm gây dị ứng suyễn.
- Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng hạ thân nhiệt, lợi tiểu, tăng lượng mật…
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu này thường được sử dụng ở dạng thuốc sắc hay tán bột và kết hợp với các vị thuốc khác. Liều lượng được khuyến cáo cho một ngày là vào khoảng 12 – 20g. Tùy thuộc vào mỗi bài thuốc mà sẽ có sự căn chỉnh cho hợp lý.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hoàng cầm
Sau đây là một số bài thuốc có sử dụng dược liệu hoàng cầm:
1. Bài thuốc trị đau bụng, kiết lỵ kèm miệng đắng
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 8g cam thảo, 8g thược dược, 3 trái đại táo.
- Thực hiện: Cho hết vị thuốc vào ấm sắc cùng 1 lít nước trong 20 phút. Chia làm nhiều lần, uống khi thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
2. Bài thuốc chữa phong nhiệt có đàm hay đau ở đầu lông mày
- Chuẩn bị: Hoàng cầm và bạch chỉ với liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem tán dược liệu thành bột mịn. Mỗi lần chỉ dùng đúng 8g và uống chung với nước trà ấm.
3. Bài thuốc chữa nôn ra máu, chảy máu cam
- Chuẩn bị: 40g hoàng cầm.
- Thực hiện: Dược liệu đem bỏ phần ruột đen và tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 12g đem sắc với 1 chén nước đến khi còn lại 6 phân. Uống trực tiếp khi nước thuốc còn ấm nóng.
4. Bài thuốc chữa nóng gan gây mờ mắt
- Chuẩn bị: 40g hoàng cầm cùng với 120g đạm đậu vị.
- Thực hiện: Mỗi lần lấy ra 12g đem bọc trong gan lợn và chưng cho chín. Lưu ý, khi dùng bài thuốc này người bệnh cần kiêng rượu và miến.
5. Bài thuốc trị rong kinh kèm nôn ra máu và chảy máu cam
- Chuẩn bị: 120g hoàng cầm.
- Thực hiện: Đem dược liệu cho vào ấm sắc chung với 3 thăng nước trên lửa nhỏ. Đến khi còn 1,5 thang thì tắt bếp. Chia thành nhiều lần uống, dùng liều 1 thang/ngày.
6. Bài thuốc chữa sau sinh huyết ra nhiều
- Chuẩn bị: Hoàng cầm và mạch môn đông với liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem sắc với nước để uống như nước lọc hằng ngày. Nên dùng khi thuốc còn ấm nóng.
7. Bài thuốc chữa đơn độc, hỏa độc
- Chuẩn bị: Hoàng cầm với lượng tùy ý.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi tán bột rồi trộn đều với nước. Sau đó dùng hỗn hợp này để đắp trực tiếp.
8. Bài thuốc chữa phế nhiệt sinh ho
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g liên kiều, 12g chi tử, 8g hạnh nhân, 4g cát cánh, 4g bạc hà, 8g đại hoàng, 8g chỉ xác, 4g cam thảo.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đem cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1thang/ngày.
9. Bài thuốc trị thai động không yên
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 12g bạch truật, 8g đương quy, 4g xuyên khung.
- Thực hiện: Cho hết dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống. Uống thuốc khi còn ấm nóng với liều 1 thang/ngày.
10. Bài thuốc trị chứng giật mình hay khóc đêm ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 0,4g hoàng cầm cùng với 0,4g nhân sâm.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi tán thành bột mịn. Mỗi lần cho trẻ uống 1 ít chung với nước sắc trúc diệp.
11. Bài thuốc chữa phong phế có hỏa
- Chuẩn bị: Hoàng cầm với lượng tùy ý
- Thực hiện: Dược liệu đem đi tán thành bột mịn rồi điều với nước và vo thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 20 viên cùng với nước sôi ấm.
12. Bài thuốc giúp thanh nhiệt, an thai
- Chuẩn bị: Hoàng cầm và bạch truật với lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi sao vàng rồi tán thành bột mịn và trộn với nước cơm. Làm thành viên khoảng bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng cần uống 50 viên với nước sôi ấm.
13. Bài thuốc chữa chân tay lạnh, máu không cầm
- Chuẩn bị: 8g hoàng cầm.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi sao với rượu rồi tán thành bột mịn. Uống trực tiếp cùng với khoảng 20ml rượu trắng.
14. Bài thuốc trị đau bụng do nhiệt lỵ
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 6g hậu phác, 3,2g mộc hương, 4g hoàng liên, 6g quảng trần bì.
- Thực hiện: Cho nguyên liệu vào ấm sắc chung với nước và dùng khi còn ấm. Liều lượng 1 thang/ngày.
15. Bài thuốc chữa khi phong tán hàn
- Chuẩn bị: 8g hoàng cầm, 8g khương hoạt, 8g độc hoạt, 8g tần giao, 8g bạch chỉ, 12g ngưu tất, 8g đương quy, 12g thục địa, 12g đảng sâm, 8g xuyên khung, 0,8g bạch thược, 8g phục linh, 6g cam thảo, 12g bạch truật.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với 600ml nước đến khi còn phân nửa. Uống trực tiếp khi thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
16. Bài thuốc tán nhiệt, giải biểu
- Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 4g hoàng cầm, 4g khương hoạt, 8g cát căn, 4g sài hồ, 4g bạch truật, 4g thược dược, 8g thạch cao, 2g cam thảo, 2g cát cánh, 2 quả đại táo, 3 lát gừng tươi. Sắc với nước uống 1 thang/ngày. Giúp trị cảm mạo, hơi rét nhưng sốt cao, chi mỏi, nhức đầu, nhức mắt khô mũi, không ngủ được…
- Bài thuốc 2: Cần có 12g hoàng cầm, 12g cát căn, 4g hoàng liên, 4g cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày. Giúp hỗ trợ điêu trị mình nóng, phiền khát, viêm ruột cấp tính, lỵ…
17. Bài thuốc chữa co rút vùng lưng
- Chuẩn bị: 4g hoàng cầm, 8g cát căn, 6g kim ngân hoa, 6g bạch thược, 3g hoàng liên, 2g cam thảo, 2 con toàn yết, 2 con ngô công.
- Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống. Liều lượng 1 thang/ngày.
18. Bài thuốc chữa kiết lỵ, đau bụng có mót rặn
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 24g bạch thược, 6g xuyên tiêu, 8g đại hoàng, 8g mộc hương, 8g binh lang, 12g đương quy, 2g nhục quế, 4g cam thảo.
- Thực hiện: Đem tất cả các được liệu cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ lấy nước uống. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng mỗi ngày 1 thang.
19. Bài thuốc chữa mắt đỏ sưng đau và chảy nước mắt
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g thạch thuyết minh, 12g cúc hoa, 16g quyết minh tử, 12g bạch thược, 12g mạn kinh tử, 12g mộc tặc, 5g xuyên khung và 20g thạch cao.
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng mỗi ngày đúng 1 thang thuốc.
20. Bài thuốc chữa hư lao, gầy ốm ở phụ nữ
- Chuẩn bị: 30g hoàng cầm, 30g tri mẫu, 40g sài hồ, 30g mạch môn, 40g sinh địa, 20g chích thảo, 30g xích thược, 30g thăng ma, 30g xạ can.
- Thực hiện: Các dược liệu này đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 16g kết hợp với 27 lá đạm trúc diệp và 0,2g sinh khương sắc lấy nước uống. Liều lượng đúng 1 thang/ngày.
21. Bài thuốc chống cho giật
- Chuẩn bị: 10g hoàng cầm, 10g thiên ma, 14g câu đằng, 25g thạch quyết minh, 10g chi tử, 14g xuyên ngưu tất, 14g ích mẫu thảo, 25g tang ký sinh, 16g dạ đằng giao, 16g bạch linh.
- Thực hiện: Các dược liệu cho tất cả vào ấm và sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
22. Bài thuốc chữa cảm mạo kèm sốt, phiền khát và cứng đau gáy
- Chuẩn bị: 6g hoàng cầm, 6g khương hoạt, 6g bạch chỉ, 4g sài hồ, 10g cát căn, 6g cát cánh, 2g cam thảo, 16g thạch cao, 2 quả đại táo, 3 lát gừng tươi.
- Thực hiện: Tiến hành sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
23. Bài thuốc chữa chứng nhiệt tả
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 16g cát căn, 8g hoàng liên, 4g cam thảo.
- Thực hiện: Các dược liệu cho vào ấm sắc với 500ml nước đến khi còn phân nửa. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày.
24. Bài thuốc chữa viêm gan virus cấp tính
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g chi tử, 12g hoàng liên, 12g hoàng bá, 8g thạch xương bồ, 8g nhân sâm, 8g đại hoàng.
- Thực hiện: Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc chung với 600ml nước đến khi còn khoảng 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
24. Bài thuốc chữa viêm gan mãn tính
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 12g mộc thông, 12g đại phúc bì, 12g hoạt thạch, 16g kim ngân, 8g phục linh, 8g đậu khấu, 8g nấm trư linh, 20g nhân trần, 4g cam thảo.
- Thực hiện: Tất cả dược liệu cho vào ấm sắc cùng nửa lít nước trong 20 phút. Bỏ bã và uống khi thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
25. Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng
- Chuẩn bị: 16g hoàng cầm, 20g mai mực, 20g mạch nha, 6g cam thảo, 2g ngô thù du, 8g hoàng liên, 12g sơn chi, 12g đại táo.
- Thực hiện: Cho các dược liệu trên vào ấm sắc chung với 1 lít nước đến khi còn 300ml. Chia làm 3 lần uống khi thuốc còn ấm nóng. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
Những lưu ý khi sử dụng hoàng cầm chữa bệnh
Trong một số trường hợp sau, cần tránh sử dụng dược liệu hoàng cầm:
- Theo Trung Dược Học: Không dùng khi bị tiêu chảy do hàn, hạ tiêu có hàn hay phế có hư nhiệt.
- Theo Dược Đối: Không sử dụng đồng thời với hành sống, mẫu đơn, đơn sa, lê lô.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Không dùng cho phụ nữ thai hàn hay tỳ vị hư hàn nhưng không có thực hỏa, thấp nhiệt.
Thông tin mà bài viết cung cấp về dược liệu hoàng cầm chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi dùng dược liệu này để chữa bệnh, tốt nhất bạn nên tham vấn thầy thuốc hoặc những người có chuyên môn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.