Chuối hột rừng thường được sử dụng để trị sỏi thận, sỏi bàng quang, đau nhức xương khớp, tiêu chảy, băng huyết, ho ra máu. So với chuối hột thông thường, chuối hột rừng có tác dụng dược lý đa dạng nên được sử dụng phổ biến hơn.
- Tên khoa học: Musa paracoccinea
- Tên dược: Rhizoma Musa Balbisiana
- Họ: Chuối – Musaceae
Mô tả dược liệu chuối hột rừng
1. Đặc điểm và Hình ảnh của cây chuối hột rừng
Chuối hột rừng có thân giả cao từ 3 – 4m. Lá dài tương tự như chuối thường tuy nhiên mặt dưới lá thường có thể tía và xuất hiện các sọc đỏ ở cuống lá.
Hoa thường mọc thẳng đứng ở ngọn, không thõng xuống giống như các loại chuối khác. Hoa chuối có màu đỏ tươi hoặc màu đỏ thẫm. Quả ngắn hơn chuối bình thường, có cạnh và bên trong chứa nhiều hạt.
– Một số hình ảnh của cây chuối hột rừng:
Chuối hột rừng có thân giả cao từ 3 – 4m và có lá mác dài
2. Bộ phận sử dụng
Toàn bộ cây chuối hột rừng, bao gồm hạt, lá, quả, hoa, thân và rễ đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
3. Phân bố
Ở nước ta, cây chuối hột rừng mọc hoang nhiều ở ven rừng và các bụi rậm.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái gần như quanh năm nhưng nếu muốn dùng hoa, quả và hạt cần đợi đến mùa mới thu hoạch được. Dược liệu có thể được dùng tươi hoặc phơi khô, sao vàng.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Chuối hột rừng chứa một số thành phần hóa học như tinh dầu, tannin, saponin, enzyme polyphenol, cyaniding, anthocyanin,…
Vị thuốc chuối hột rừng
1. Tính vị
Chuối hột rừng có vị ngọt, hơi chát, tính bình.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Tỳ, Phế, Vị và Can.
3. Tác dụng của chuối hột rừng
– Tác dụng của chuối hột rừng theo Đông Y:
- Công dụng: Sát trùng, lợi tiểu tiện, lương huyết, phòng tiêu chảy, giảm vị tanh, giảm đau, tiêu sưng, lợi sữa, cầm máu.
- Chủ trị: Nôn ra máu, băng huyết, sỏi thận, , viêm thận, tiểu đường,…
- Ngoài ra nhân dân còn trái chuối hột non thái mỏng và bóp gỏi cùng với các loại rau sống khác để tăng hương vị và đề phòng tiêu chảy.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Nghiên cứu cho thấy chất tannin trong chuối hột rừng có tác dụng cầm tiêu chảy.
4. Chuối hột rừng chữa bệnh gì?
Hiện nay chuối hột rừng dùng để chữa các bệnh lý như:
- Sỏi thận
- Sỏi bàng quang
- Thấp khớp
- Tiêu chảy
- Hắc lào
- Bệnh gút
- Đau bụng
- Vết thương chảy máu
- Tiểu đường
Bài thuốc chữa bệnh từ cây chuối hột rừng
1. Bài thuốc chữa bệnh từ quả chuối hột rừng
- Bài thuốc trị chứng táo bón ở trẻ: Dùng 1 – 2 trái chuối chín vùi trong bếp lửa cho đến khi vỏ chuối chuyển sang màu đen. Lấy chuối ra, đợi cho nguội rồi cho trẻ ăn.
- Xổ giun với chuối hột rừng: Cho trẻ ăn quả chuối hột rừng chín khi đói.
- Chữa bệnh sỏi bàng quang: Rửa sạch quả chuối hột rừng xanh, sau đó thái thành lát mỏng rồi đem sấy khô, sao vàng hạ thổ trong 3 – 5 ngày. Mỗi lần dùng 50 – 100g sắc với 0.5 lít nước. Lấy nước sắc chia thành 2 lần uống trong ngày, nên dùng thuốc khi bụng no.
- Bài thuốc trị hắc lào: Cắt quả chuối hột rừng xanh trên cây, sau đó lấy mủ thoa lên da.
- Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: Đem quả chuối xanh phơi khô, sau đó tán thành bột mịn rồi dùng uống hằng ngày.
- Trị bệnh gút: Dùng tỳ giải 2g, quả chuối hột rừng 3g, khổ qua 1g và củ ráy rừng 4g. Đem các vị sao vàng hạ thổ, mỗi lần dùng 10g hãm với nước đun sôi uống, ngày dùng từ 2 – 3 lần.
- Rượu chuối hột rừng giúp bổ thận, trị sạn thận: Dùng quả chuối chín, đem thái mỏng và phơi nắng cho khô hoàn toàn. Sau đó ngâm với rượu trắng 40 độ trong vòng 3 tháng 10 ngày là dùng được. Mỗi lần dùng 10 – 20ml, ngày dùng 1 – 2 lần.
2. Bài thuốc từ hạt chuối hột rừng
- Trị thấp khớp, đau lưng và chân tay nhức mỏi: Dùng 200g hạt chuối hột rừng đem giã nát và ngâm với rượu 40 độ 1 lít trong 10 ngày. Mỗi lần dùng 15ml uống trước khi ăn và trước khi đi ngủ, ngày dùng 2 lần. Dùng bài thuốc trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
- Bài thuốc trị sỏi bàng quang và sỏi thận: Đem hạt chuối hột rừng rang giòn, sau đó giã nát rồi rây thành bột mịn. Mỗi lần dùng 2 thìa bột chế với nước sôi, uống liên tục trong vòng 30 ngày.
3. Bài thuốc trị vỏ quả chuối hột rừng
- Bài thuốc trị tiêu chảy, đau bụng: Vỏ quả chuối hột rừng chín, đem rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi cho khô hoàn toàn. Mỗi lần dùng 4 – 8g hãm với nước sôi uống, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc trị đau bụng kinh niên: Dùng 2g, quế chi 4g, vỏ chuối hột rừng 40g (sao vàng, tán bột). Đem các vị tán thành bột mịn sau đó chế thêm mật vào làm thành viên. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần uống cùng với nước ấm.
- Bài thuốc trị kiết lỵ: Rễ gai tầm xọng, vỏ chuối hột rừng, rễ tầm xuân và vỏ quả lựu mỗi vị 20g, búp ổi 10g. Đem các vị phơi khô rồi sắc lấy nước uống.
4. Bài thuốc từ hoa chuối hột rừng
- Bài thuốc trị acid đóng cặn trong bàng quang và thận: Dùng hoa chuối hột rừng tươi đem sắc uống, chia thành nhiều lần dùng trong ngày.
- Chống táo bón: Dùng hoa chuối hột rừng ăn hàng ngày để bổ sung chất xơ.
5. Bài thuốc chữa bệnh từ lá chuối hột rừng
- Bài thuốc trị tiêu độc, bổ phổi và mát phổi: Hoa và lá bắc của cây chuối hột rừng tươi, đem rửa sạch và nấu nước uống.
- Bài thuốc trị chứng nôn ra máu, băng huyết: Mốc cây cau 20g, lá chuối hột rừng (phơi khô) 10g và tinh tre 20g. Đem đốt tồn tính, sau đó tán thành bột mịn và hòa với nước uống.
6. Bài thuốc trị bệnh từ củ chuối hột rừng
- Bài thuốc trị kiết lỵ ra máu: Tầm gửi cây táo/ vỏ cây táo, củ sả và củ chuối hột rừng mỗi vị 4g. Đem các vị sao vàng và sắc lấy nước uống.
- Trị chứng ho ra máu: Rễ cỏ tranh, tầm gửi cây dâu, và củ chuối hột rừng mỗi vị 12g. Đem các dược liệu thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Mỗi lần dùng 50ml, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc trị chứng háo khát, mê sảng, sốt cao và cảm nóng: Đem củ chuối hột rừng rửa sạch, cỏ bỏ vỏ ngoài rồi giã lấy nước uống.
- Tim hầm củ chuối hột rừng trị tim hồi hộp, khó ngủ: Chuẩn bị 1 quả tim heo (200 – 300g) và củ chuối hột rừng 20g, đem hầm chung cho tim nhừ, sau đó ăn tim và uống hết nước.
- Thuốc an thai: Dùng rễ cây móc và củ chuối hột rừng mỗi vị 10 – 12g đem sắc uống hằng ngày trong thời gian đầu mới mang thai.
- Bài thuốc giúp ổn định đường huyết: Dùng củ chuối hột rừng tươi, đem rửa sạch và ép lấy nước uống thường xuyên.
- Trị tiêu khát, kích thích tiêu hóa và giải độc: Dùng củ chuối hột rừng thái nhỏ, phơi khô và dùng hãm như trà, uống hằng ngày.
7. Bài thuốc từ thân cây chuối hột rừng
- Cầm máu vết thương: Sử dụng lõi thân của cây đập dập rồi đắp vào vết thương.
- Trị đau nhức răng: Đem thân chuối non rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn sau đó nướng chín rồi ép lấy nước. Hòa thêm 1 ít muối vào rồi ngậm và nhổ ra.
- Trị tiêu khát: Dùng lõi thân già đem giã nát và vắt lấy nước uống.
Lưu ý khi sử dụng chuối hột rừng chữa bệnh
- Chuối hột rừng còn xanh chứa hàm lượng tannin cao có thể gây ngộ độc.
- Nên gia giảm liều lượng khi sử dụng rượu chuối hột rừng cho người huyết áp không ổn định, thể trạng hàn hoặc nhiệt.
- Có thể sử dụng thông thường thay cho chuối hột rừng nếu không tìm mua được dược liệu.
Thông tin về dược liệu chuối hột rừng trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có ý định sử dụng bài thuốc uống từ dược liệu này, bạn nên thăm khám và trao đổi trực tiếp với thầy thuốc để được hướng dẫn chi tiết.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.