Thiên niên kiện có vị đắng, cay, tính ấm, tác dụng trừ phong thấp, chỉ thống và mạnh gân xương. Chính vì vậy dược liệu này thường được sử dụng để chữa đau nhức xương khớp, tê bì chân tay và bệnh phong thấp. Ngoài ra, thiên niên kiện còn có tác dụng giảm mẩn ngứa và dị ứng trên da.
- Tên gọi khác: Cây bao kim, sơn thục, ráy hương, duyên, vắt vẻo,…
- Tên dược: Rhizoma Homalomena
- Tên khoa học: Homalomena occulta Schott
- Họ: Ráy (danh pháp khoa học: )
Mô tả cây dược liệu thiên niên kiện
1. Đặc điểm thực vật
Thiên niên kiện là cây thân thảo, vỏ màu xanh, đường kính khoảng 1 – 2cm và sống nhiều năm. Thân rễ mập và có mùi thơm. Lá có cuống dài từ 16 – 25cm, mọc so le, bề mặt lá mà xanh và nhẵn, chiều rộng khoảng 8 – 11cm và dài từ 12 – 15cm.
Hoa mọc thành cụm, nở vào tháng 3 – 4 hằng năm. Quả mọng, có hình thuôn dài. Thiên niên kiện ra hoa vào tháng 4 – 6 và sai quả vào tháng 8 – 10 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Thân rễ của cây được thu hái để làm thuốc trị bệnh.
3. Phân bố
Thiên niên kiện có nguồn gốc từ Malaysia. Cây thường mọc hoang ở những vùng đất có độ ẩm cao như rừng mưa nhiệt đới, hai bên bờ suối,… Hiện nay cây đã được trồng để làm dược liệu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái quanh năm, sau khi hái về, rửa sạch bùn đất và loại bỏ tạp chất. Sau đó cắt thành khúc 10 – 20cm và sấy khô với nhiệt độ 50 độ C. Cuối cùng đem sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.
Ngoài ra có thể bào chế dược liệu này theo những cách sau đây:
- Sau khi rửa sạch, đem ủ kín cho mềm, thái thành lát và phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho khô. Hoặc có thể dùng tươi, giã nát và thoa vào chỗ đau nhức.
- Rễ thiên niên kiện sau khi đã chế khô, mài chung với rượu và dùng nước uống.
5. Bảo quản
Dược liệu chứa nhiều tinh dầu nên rất dễ ẩm mốc và hư hại. Vì vậy cần bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát và khô ráo, tránh nơi có nhiệt độ cao và ẩm thấp.
6. Thành phần hóa học
Thiên niên kiện chứa khoảng 0.8 – 1% tinh dầu, trong tinh dầu có chứa 2% este, sabinen, a-terpinen, terpineol, aldehyde propionic, acetaldehyt,…
Một số hình ảnh của thiên niên kiện
Thiên niên kiện là cây thân thảo, sống nhiều năm, chiều cao trung bình khoảng 80 – 150cm
Vị thuốc thiên niên kiện
1. Tính vị
Vị cay, đắng, tính ấm.
2. Qui kinh
Quy vào kinh Thận và Can.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
- Tác dụng: Mạnh gân cốt, trừ phong thấp, tiêu sưng và chỉ thống.
- Chủ trị: Phong thấp có các biểu hiện như tê cứng chân, đau lưng mỏi gối, lạnh khớp,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tinh dầu từ dược liệu được sử dụng để chiết xuất linalola và làm nước hoa.
- Kích thích hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
- Giảm đau nhức xương khớp, bồi bổ gân cốt và chữa phong tê thấp.
- Nước sắc từ thiên niên kiện có tác dụng chống đông máu, giảm đau nhức và tăng lưu thông khí huyết.
- Tinh dầu trong dược liệu có tác dụng ức chế Herpes simplex virus type 1 và một số loại vi khuẩn gây bệnh khác.
- Cồn thuốc từ dược liệu có tác dụng kháng histamine, ngăn ngừa dị ứng, chống viêm và giảm đau nhức xương khớp.
4. Cách dùng – liều lượng
Thiên niên kiện được dùng bằng cách ngâm rượu, sắc thuốc hoặc giã nát dùng ngoài. Nếu dùng uống, bạn chỉ nên sử dụng từ 6 – 12g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ thiên niên kiện
1. Bài thuốc trị đau nhức xương khớp và thấp khớp
- Chuẩn bị: Bạch chỉ 8g, thiên niên kiện 12g và cốt toái bổ 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng hằng ngày.
2. Bài thuốc ngâm rượu giúp giảm đau lưng mỏi gối
- Chuẩn bị: Quả dành dành 8g, thiên niên kiện 12g và rễ bưởi bung 10g.
- Thực hiện: Đem các vị ngâm với rượu, uống hằng ngày.
3. Bài thuốc chữa đau mỏi xương khớp, tê bì chân tay ở người cao tuổi
- Chuẩn bị: Kim ngân hoa, thổ phục linh, thiên niên kiện, kế đầu ngựa, dây đau xương, cà gai leo, cở xước, hy thiêm và , mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị rửa sạch, sau đó đun với nước theo tỷ lệ 1:1, đun thành siro hoặc chế thành rượu thuốc.
4. Bài thuốc trị đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay
- Chuẩn bị: Thương nhĩ tử (sao vàng) 12g, ngải cứu 12g, thiên niên kiện 12g, thổ phục linh 18g, cỏ mực 16g, hy thiêm 28g, rễ cỏ xước 40g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.
5. Bài thuốc mạnh gân cốt và giảm đau nhức xương do tuổi tác cao
- Chuẩn bị: Hà thủ ô trắng, kê huyết đằng, thiên niên kiện và ngũ gia bì mỗi thứ 50g.
- Thực hiện: Đem dược liệu ngâm với rắn cạp/ rắn hổ mang và rượu trong vòng 3 tháng. Sau đó dùng 1 chén nhỏ uống trong bữa ăn, sử dụng đều đặn trong nhiều tháng liền.
6. Bài thuốc trị đau mỏi lưng và nhức đầu gối khi thời tiết lạnh
- Chuẩn bị: Dây chiều, đan sâm, xích thược, độc hoạt, tang ký sinh, thiên niên kiện, kê huyết đằng, thục địa, thổ phục linh, khương hoạt và đỗ trọng mỗi thứ 12g, nhục quế 8g, hoài sơn 16g, đảng sâm 20g, ngưu tất 10g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
7. Bài thuốc trị phong thấp
- Chuẩn bị: Ngưu tất 5g, thiên niên kiện 10g, mộc qua 15g và hy thiêm 20g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
8. Bài thuốc chữa da nổi mẩn ngứa và dị ứng
- Chuẩn bị: Gừng, sả và thiên niên kiện mỗi vị 10g.
- Thực hiện: Sắc uống hết trong ngày.
9. Bài thuốc chữa đau bụng kinh
- Chuẩn bị: Gỗ vang, rễ sim rừng, rễ bưởi bung, thiên niên kiện và rễ bướm bạc, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu thiên niên kiện
Không dùng thiên niên kiện cho người bị nhức đầu, táo bón và âm hư nội nhiệt.
Thiên niên kiện là dược liệu chữa đau nhức xương khớp và làm giảm tình trạng dị ứng, mẩn ngứa trên da. Tuy nhiên dược liệu này có tính nóng nên sử dụng lâu ngày có thể gây ra chứng táo bón. Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.