Thanh bì là vỏ quả quýt còn xanh đã qua chế biến dùng để làm thuốc trong Đông y cổ truyền. Dược liệu này có vị cay, đắng, tính ấm được quy vào kinh Can, Vị và Đởm, có tác dụng thông lợi gan, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, ăn ngon miệng, chữa tuyến vú bị sưng đau, đau bụng, tức ngực, trướng bụng.
1. Tên gọi – Chủng loại
- Tên gọi khác: Quất bì, Quất hồng, Vỏ quýt xanh
- Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco
- Họ: Thuộc họ Cam (Rutaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
+ Mô tả:
Cây quýt là cây gỗ nhỏ, thân ít gai hoặc không có gai tùy vào giống. Lá màu xanh đậm, hình trái xoan, phiến lá dài, lá mọc so le, méo lá có răng cưa. Hoa đơn hoặc mọc theo chùm từ 3 – 6 hoa, cánh hoa màu trắng, đài hoa hình chén không có lông. Hoa mọc ở nách lá. Qủa hình cầu màu xanh khi còn sống và chuyển dần sang mùa vàng da cam và màu đỏ cam, vỏ dày, có hạt màu trắng trong phần thịt.
+ Phân bố:
Cây quýt có nguồn gốc ở Trung Quốc và Ấn độ, trồng chủ yếu là lấy quả để ăn. Tại nước ta, cây quýt được trồng khác nhiều, rải rác ở các tỉnh, các tỉnh trồng nhiều nhất như Hưng Yên, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tuyên Quang, Bắc Giang,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
+ Bộ phận dùng: Lớp vỏ quả quýt xanh có tính chất dược phẩm, được sử dụng để làm thuốc trong Đông y.
+ Thu hái: Thu hái những quả quýt còn xanh, thời điểm tốt nhất để thu hoạch là tháng 6 – 7 hàng năm.
+ Chế biến: Bóc lấy phần vỏ xanh, đem rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất và vi khuẩn. Sau đó thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi 2 – 3 ngày nắng hoặc sấy khô.
+ Bảo quản: Bảo quản thanh bì ở nhiệt độ phòng, bảo quản trong bao bì để tránh lên móc và đậy kín bao bì sau những lần sử dụng.
4. Thành phần hóa học
Thành phần chính có trong thanh bì là Flavonoid.
5. Tính vị – Quy kinh
- Vị đắng (Bản thảo đồ kinh)
- Vị cay, khí ôn (Y học khởi nguyên)
Thanh bì được quy vào các kinh sau:
- Kinh Can, Tỳ (sách Lôi công bào chế dược tính giải)
- Kinh Túc quyết âm kinh, thủ thiếu dương kinh (sách Thang dịch bản thảo)
6. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
- Tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, ức chế mạnh lên chơ trơn của ruột, chống co thắt
- Kích thích ôn hòa lên ruột, tăng bài khí tích trệ và tiết dịch tiêu hóa.
- Tác dụng hóa đàm.
- Kháng Histamin, chống co thắt khí quản, làm giảm các cơn hen suyễn.
- Chống choáng, tăng nhanh huyết áp, cải thiện nhịp tim.
Theo Y học cổ truyền
- Thông lợi gan
- Thông lợi đởm khí
- Tiêu tích hóa trệ
- Lý khí
- Kiện vị
- Giáng tiết
7. Liều lượng – Cách dùng
Dùng 8 – 12 gram mỗi ngày, kết hợp dùng cùng với các vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột mịn để dùng. Thuốc ở dạng bột, tán mịn thành bột rồi dùng với nước hoặc nước cơm. Thuốc ở dạng sắc, đem một thang thuốc sắc cùng với 5 chén nước, sắc cô đặc còn 2 chén nước để dùng, dùng khi thuốc còn nóng, hâm lại khi nguội.
8. Bài thuốc
Thanh bì khác với Trần bì và Quất hạch. Trần bì là vỏ quả chín rồi đem chế biến. Quất hạch là hạt lấy trong quả chín phơi khô. Còn Thanh bì là vỏ quýt còn xanh đem phơi khô, mặt ngoài màu lục xám, hơi ráp, có nhiều túi tiết, mặt trong có màu trắng hoặc vàng nhạt có gân màu trắng hoặc vàng. Thanh bì có mùi thơm, vị cay, đắng.
Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng dược liệu Thanh bì trong Y học cổ truyền:
Bài thuốc chữa viêm tuyến vú:
Dùng Thanh bì, Kim ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh cùng với Qua lâu với liều lượng bằng nhau. Đem các vị thuốc trên làm thành một thang, mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên để sắc lấy nước dùng.
Bài thuốc chữa tức ngực, đau ngực, hạ sườn:
Dùng Thanh bì, Hương phụ, Thanh quất diệp cùng với Sài hồ với liều lượng bằng nhau, đem một thang thuốc trên sắc cùng với 5 phần nước còn 2 phần để dùng sau mỗi bữa ăn.
Bài thuốc chữa huyết hư vùng ngực, sườn gây tức, hàn nhiệt:
Dùng Thanh bì, Đương quy, Bạch truật, Bạc hà mỗi vị 12 gram, 14 gram Phục linh, 8 gram Sài hồ, 6 gram Cam thảo cùng với 3 lát Sinh khương. Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước.
Bài thuốc chữa ứ huyết, đau chứng vùng thượng vị, thúc đẩy tiêu hóa, ăn ngon miệng:
Dùng Thanh bì, Thần khúc, Mạch nha cùng với Sơn tra với liều lượng bằng nhau sắc cô đặc lấy nước dùng.
Bài thuốc chữa đau vùng thượng vị, ợ chua, miệng đắng, khô miệng, đau rát, rêu lưỡi vàng:
Dùng Thanh bì, Chỉ tử, Bối mẫu, Trạch tả, Đan bì, Hoàng liên mỗi vị 8 gram, 12 gram Bạch thược, 6 gram Trần bì cùng với 4 gram Ngô thù. Đem các vị thuốc trên đem sắc lấy nước dùng.
Bài thuốc chữa tinh hoàn sưng, đau:
Dùng Thanh bì, Mộc hương, Ô dược cùng với Tiểu hồi hương với liều lượng thích hợp. Đem thang thuốc trên sắc lấy nước để dùng.
Bài thuốc chữa viêm gan mãn tính do viêm gan virus:
Dùng Thanh bì, Chỉ thực, Uất kim, Hậu phác mỗi vị 8 gram, Rau má, Mướp đắng, Biển đậu mỗi vị 12 gram cùng với Ý dĩ, Hoài sơn và Đinh lăng mỗi vị 16 gram. Đem các vị thuốc trên sắc lấy nước dùng.
9. Lưu ý
Điều trị bệnh bằng dược liệu Thanh bì, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:
- Không sử dụng bài thuốc trên cho đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một trong số thành phần có trong bài thuốc.
- Người can huyết hư không có khí trệ không được dùng Thanh bì để chữa bệnh.
- Cần nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi hay làm việc quá sức.
- Xây dựng chế độ ăn uống và vận động cơ thể phù hợp với sức khỏe bản thân.
Trong quá trình điều trị bằng Thanh bì, nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.
Thông tin bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về dược liệu Thanh bì. Tuy nhiên bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, không thay thế lời khuyên của bác sĩ hoặc giới chuyên môn. Người bệnh không tự tiện sử dụng dược liệu này khi chưa có sự cho phép.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.