Từ lâu, lá sen đã được sử dụng trong y học cổ truyền để bào chế thuốc an thần, chữa mất ngủ, sốt, khô miệng… Tuy nhiên tác dụng của lá sen khô hơi khác biệt và có thể “đảo chiều” nếu dùng sai, bạn nên cẩn thận!
Tác dụng của lá sen khô là gì?
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây sen từ hoa, củ, hạt đến lá đều là những vị thuốc nam quý giá, được dùng phổ biến trong nghệ thuật thực dưỡng và hỗ trợ chữa rất nhiều bệnh lý. Riêng lá sen khi phơi khô có vị chát, hơi đắng, tính mát bình thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
Chữa trị tiêu chảy, say nắng, giảm tình trạng đổ mồ hôi và hỗ trợ điều trị các chứng sốt. Cách sử dụng thông thường là ép nước lá sen tươi để uống hoặc dùng lá sen khô nấu nước trà.
Nhờ tác dụng cầm máu nên có thể điều trị các tình trạng chảy máu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu tiện ra máu hay chứng rong kinh ở phụ nữ.
Điều trị béo phì và tình trạng tăng mỡ máu nhờ khả năng hấp thụ chất béo tốt, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chống ô-xy hóa lipid màng tế bào gan.
Thanh nhiệt, giải độc khi dùng kết hợp với củ và hạt sen.
Tuy nhiên, do đã phơi khô nên dược lực của lá sen bị giảm và hiện nay thường chỉ được dùng để chữa các chứng xuất huyết khi phối hợp với các thảo dược khác. Chính vì vậy, trước luồng thông tin rầm rộ về giá trị “thần dược” của lá sen khô trong việc giảm cân, chữa mỡ máu cao, mất ngủ… bạn nên cảnh giác. Đừng vội nghe theo những chỉ dẫn không rõ nguồn gốc như đem lá sen phơi khô đun với nước, uống hằng ngày thay nước lọc bởi “lợi bất cập hại”.
Lá sen khô khó giúp giảm mỡ máu, ổn định huyết áp như lời đồn
Tác dụng của lá sen khô đối với sức khỏe là có thật. Tuy nhiên, về những lời quảng cáo như giảm cân, giảm mỡ máu và ổn định huyết áp thì hiện vẫn chưa được y học chứng minh. Theo y học hiện đại, các nhà khoa học chỉ tìm thấy trong lá sen có chứa alkaloid và flavonoid – 2 thành phần có tác dụng chống oxy hóa lipid nên có thể dùng để chữa các chứng chảy máu như đại tiện ra máu, chảy máu chân răng…
Ngoài ra, trong lá sen còn có chiết xuất nuciferin có thể giúp giảm co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, giảm đau, an thần, chống rối loạn nhịp tim và cầm máu. Tuy nhiên, tất cả các hiệu quả này chưa được nghiên cứu trên người và không được khuyến cáo sử dụng.
Trong các bài thuốc điều hòa mỡ máu hay giúp hạ cholesterol, lá sen khô chỉ là một trong số nhiều loại dược liệu khác nên nếu chỉ sử dụng riêng lẻ, tác dụng của lá sen khô chưa biết thực hư ra sao thì cơ thể đã bị tổn hại do dùng sai. Vì vậy, trước khi quyết định dùng lá sen khô, bạn nên tìm hiểu kỹ các thành phần liên quan để biết thêm về tác dụng chữa bệnh, đừng quá tin vào những lời quảng cáo, giới thiệu quá sự thật.
2 đối tượng tuyệt đối “chống chỉ định” với lá sen khô
Như đã nói ở trên, lá sen khô được dùng để điều trị các chứng xuất huyết và một số bệnh lý khác khi kết hợp các vị thuốc khác trong Đông y. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng lá sen đề điều trị. Đặc biệt, một số trường hợp sau nên tránh dùng lá sen tuyệt đối:
Phụ nữ đang hành kinh, đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng các bài thuốc dân gian từ lá sen khô.
Người có cơ thể thể hàn dùng nước lá sen khô lâu ngày có thể gây mệt mỏi, mất trí nhớ, rối loạn nhịp tim, giảm ham muốn tình dục.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý, dù tác dụng của lá sen khô có tốt đến đâu nhưng một khi đã được xem là dược liệu thì phải dùng theo chỉ định của bác sĩ/thầy thuốc để biết liều lượng sử dụng hợp lý. Hơn nữa, lá sen có tính thanh nhiệt, nếu dùng quá liều có thể dẫn đến tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều…
“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của người bệnh nhưng không phải sản phẩm được chiết xuất hoặc có thành phần từ nguyên liệu thiên nhiên nào cũng thật sự tốt và được kiểm nghiệm rõ ràng. Do đó, sau khi hiểu rõ về tác dụng của lá sen khô, bạn nên xin ý kiến của các bác sĩ nếu muốn dùng để đảm bảo an toàn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.