Hạ khô thảo có vị cay đắng, tính hàn, không có độc. Vị thuốc này thường được dùng để chữa các bệnh về gan, mắt, bướu cổ, tràng nhạc và viêm tuyến vú ở phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên dược liệu hạ khô thảo có thể kích thích dạ dày nên cần thận trọng khi dùng cho người có tỳ vị hư hàn.
- Tên gọi khác: Nãi đông, Thiết sắc thảo.
- Tên dược: Spira Prunella Vulgaris
- Tên khoa học: Brunella vulgaris
- Họ: Hoa môi (danh pháp khoa học: Labiatae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm cây hạ khô thảo
Hạ khô thảo là loài thực vật thân thảo, sống nhiều năm. Thân cây vuông, màu hơi tím đỏ, chiều cao khoảng 70cm. Lá mọc đối xứng, phiến lá hình mác dài hoặc hình trứng, đầu nhọn và tù ở gốc, mép lá nguyên, một số lá và thân cành được phủ lông mịn.
Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, mỗi cụm gồm có 5 – 6 hoa. Cánh hoa màu tím nhạt có hình môi. Quả nhỏ và cứng. Cây ra hoa vào tháng 4 – 6 và ra quả vào tháng 7 – 8 hằng năm.
2. Hình ảnh cây hạ khô thảo
Hình ảnh cây hạ khô thảo – Loài thực vật thân thảo, sống nhiều năm, chiều cao trung bình khoảng 70cm
3. Bộ phận dùng
Cụm hoa và quả của cây được sử dụng để làm dược liệu. Một số địa phương còn dùng cả phần thân và cành của cây để làm thuốc.
4. Phân bố
Hạ khô thảo phân bố ở các nước châu Á có khí hậu ôn đới và một số quốc gia ở châu Âu. Loài thực vật này tập trung nhiều ở Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là tại các tỉnh ở Trung Quốc như Hà Nam, Triết Giang, An Huy, Giang Tô,… Ở nước ta, hạ khô thảo được trồng và mọc hoang ở Hà Giang, Tam Đảo và Sapa.
5. Thu hái – sơ chế
Thu hái cụm hoa và quả vào mùa hạ. Sau khi thu hoạch đem loại bỏ tạp chất, sau đó phơi hoặc sấy khô hoàn toàn.
6. Bảo quản
Dược liệu dễ ẩm mốc nên cần bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
7. Thành phần hóa học
Dược liệu có chứa tinh dầu (d-fenchon, dcamphor, alcohol fenchylic), 3.5% muối vô cơ (chủ yếu là kali chlorua), alkaloid, prunellin (denphinidin cyaniding, acid ursolic), tannin, nhựa chất đắng, glucoside tan trong nước, saponin acid,…
Vị thuốc hạ khô thảo
1. Tính vị
Vị cay đắng, tính hàn, không có độc.
2. Quy kinh
Quy kinh Can Đởm.
3. Tác dụng dược lý
– Tác dụng của hạ khô thảo theo Đông Y:
- Công dụng: Minh mục, tiêu ứ, tán uất kết, thanh can hỏa, giải trừ nhiệt độc ở âm hộ và tử cung, chữa loa lịch, tiêu sưng.
- Chủ trị: Đau con ngươi, mắt đỏ sưng đau, cao huyết áp, chảy nước mắt do viêm tuyến lệ, nhọt vú sưng, viêm tuyến vú, tràng nhạc, đau đầu, chóng mặt, bướu cổ,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng hạ áp: Sử dụng Ethanol, dịch ngâm và thuốc sắc của dược liệu cho động vật thực nghiệm đều nhận thấy tác dụng hạ huyết áp rõ rệt.
- Tác dụng chống viêm: Tiêm thuốc vào bụng của chuột con nhận thấy có tác dụng chống viêm.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ hạ khô thảo có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, khuẩn cầu chùm, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng, vi khuẩn phẩy hắc loạn, trực khuẩn lỵ và trực khuẩn thương hàn.
- Tác dụng chống ung thư: Thực nghiệm nước đầu cho thấy nước sắc của dược liệu có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng của tế bào ung thư di căn.
4. Cách dùng – liều lượng
Hạ khô thảo thường được dùng ở dạng thuốc sắc. Liều dùng trung bình: 8 – 16g/ ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hạ khô thảo
1. Bài thuốc trị chứng tràng nhạc (lao hạch ở cổ) và chứng anh lựu (bướu cổ)
- Bài thuốc 1: 12g, hạ khô thảo 40g, sinh mẫu lệ 80g. Đem các vị nấu thành cao hoặc sắc uống. Ngày dùng 2 lần (sáng – tối) mỗi lần dùng 10ml.
- Bài thuốc 2: Dùng cam thảo 4g và hạ khô thảo 12g, đem các vị sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị hương phụ, viễn chí, hạ khô thảo và bối mẫu gia giảm liều theo tình trạng bệnh. Sắc đặc lấy nước uống.
2. Bài thuốc trị viêm tuyến vú và viêm hạch
- Chuẩn bị: Thổ bối mẫu và huyền sâm mỗi vị 12g, hạ khô thảo 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
3. Bài thuốc trị chứng đau mắt đỏ do can hỏa bốc (viêm giác mạc cấp, viêm màng tiếp hợp cấp)
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị bồ công anh 40g, cúc hoa và hạ khô thảo mỗi vị 20g. Đem các vị sắc lấy nước uống. Nếu đau mắt đỏ do can hư, có thể gia thêm huyền sâm, cam thảo, đương quy và bạch thược. Với trường hợp đau mắt kèm chảy nước mắt, gia thêm hương phụ và hạ khô thảo bằng lượng nhau, đem tán bột, mỗi lần dùng 4g, uống ngày 2 lần (sáng – tối).
- Bài thuốc 2: Dã cúc hoa, tang diệp và xa tiền thảo mỗi vị 12g, bồ công anh và hạ khô thảo (2 vị dùng tươi) mỗi vị 40 – 80g. Đem sắc lấy nước uống.
4. Bài thuốc trị chứng cao huyết áp khiến mắt đỏ kèm đau đầu, chóng mặt
- Bài thuốc 1: Sinh thạch quyết minh, sinh mẫu lệ mỗi vị 30g, cúc hoa 12g, hạ khô thảo 20g, mạn kinh tử 16g và xuyên khung 4g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc 2: Hy thiêm thảo, hạ khô thảo và dã cúc hoa mỗi vị 40g, đem các vị sắc uống.
- Bài thuốc 3: Dùng hạ khô thảo tươi 40 – 80g, sắc uống hằng ngày trong thời gian dài.
5. Bài thuốc trị xây xát mô mềm do chấn thương
- Chuẩn bị: Một nắm hạ khô thảo tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị.
6. Bài thuốc trị chứng tiểu tiện khó
- Chuẩn bị: Cam thảo 1g, hương phụ 2g và hạ khô thảo 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 300ml nước sắc còn 200ml nước, đem chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
7. Bài thuốc chữa cao huyết áp
- Chuẩn bị: Bồ công anh, hạ khô thảo và thảo quyết minh mỗi vị 20g, lá mã đề và hoa cúc mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
8. Bài thuốc chữa chứng xích bạch đới
- Chuẩn bị: Hạ khô thảo.
- Thực hiện: Tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g bột thuốc uống cùng với nước cơm.
9. Bài thuốc giúp hạ huyết áp
- Chuẩn bị: Đường trắng 20g, hạ khô thảo 30g và đậu đen 50g.
- Thực hiện: Đem đậu đen và hạ khô thảo sắc với nước cho đến khi đậu đen mềm như. Thêm đường vào khuấy đều và chia thành vài lần ăn trong ngày.
10. Cháo hạ khô thảo và cúc hoa làm sáng mắt và hỗ trợ điều trị mắt đỏ
- Chuẩn bị: Đường phèn vừa đủ, gạo tẻ 50g, hạ khô thảo 10g, lá dâu 10g và hoa cúc trắng 12g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu rửa sạch và nấu lấy nước, bỏ bã, thêm gạo tẻ và đường phèn vào nấu thành cháo loãng, chia thành 2 lần ăn.
- Lưu ý: Người bị tiêu chảy mãn tính và tỳ vị hư hàn không nên dùng bài thuốc này
11. Bài thuốc trị tắc tia sữa và hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ
- Chuẩn bị: Gạo tẻ 60g, hạ khô thảo 20g và 30g.
- Thực hiện: Sắc dược liệu lấy nước, vớt bỏ bã và cho gạo tẻ vào nấu thành cháo. Khi cháo chín, thêm ít đường trắng vào và dùng ăn khi nóng. Nên dùng bài thuốc này trong 3 – 5 ngày hoặc có thể lặp lại liệu trình nếu sữa chưa thông hoàn toàn.
12. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan B
- Chuẩn bị: Sài hồ 12g, chi tử 8g, nhân trần 12g, hạ khô thảo 12g và chó đẻ răng cưa 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống ngày 1 thang, mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày.
13. Bài thuốc điều trị đau nhức mắt do nhiệt ở gan
- Chuẩn bị: Hương phụ tử và hạ khô thảo mỗi vị 62.5g, chích cam thảo 20g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g uống với nước, ngày dùng 3 lần.
14. Cháo hạ khô thảo và câu kỷ tử trị lao mào tinh hoàn
- Chuẩn bị: Gạo tẻ 30g, hạ khô thảo 20g và câu kỷ tử 15g.
- Thực hiện: Đem hạ khô thảo sắc lấy nước, vớt bỏ bã và cho gạo, câu kỷ tử vào nấu thành cháo. Ăn 1 lần/ ngày trong liên tục 15 ngày.
15. Bài thuốc giúp an thần, hạ áp và ổn định huyết áp ở bệnh nhân cao huyết áp
- Chuẩn bị: Cao khô táo nhân, cao khô câu đằng, cao khô hạ khô thảo, cao khô hà thủ ô chế, cao khô địa long và cao khô huyền sâm mỗi vị 80mg.
- Thực hiện: Chế thành 1 viên nang. Mỗi lần dùng 3 – 4 viên, ngày dùng 2 lần liên tục trong 1 – 2 tháng.
16. Dưỡng da, giảm thâm mắt và giảm nếp nhăn ở mặt
- Chuẩn bị: Lá dâu 30g, hạ khô thảo 10g và nước ép dưa leo 10ml.
- Thực hiện: Cho lá dâu và hạ khô thảo sắc với 3 chén nước còn lại 1 chén, lọc lấy nước và để nguội. Sau đó hòa nước ép dưa leo vào và thoa lên mặt, rửa sạch sau 15 phút.
17. Bài thuốc chữa chứng viêm lưỡi mạn và viêm họng mạn
- Chuẩn bị: Mộc hồ diệp và hạ khô thảo, gia giảm liều theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
18. Trà hạ khô thảo thanh nhiệt, trị mụn nhọt
- Chuẩn bị: Sinh địa và hạ khô thảo.
- Thực hiện: Nấu thành nước trà dùng uống.
19. Bài thuốc trị chứng phế quản giãn gây khạc ra máu
- Chuẩn bị: Đông trùng hạ thảo 60g, tiên đông 60g, ngũ vị tử 48g, chung bạch truật 48g, viễn chí 48g, quy bản 120g, hạ khô thảo 60g, đương quy thân 60g, xuyên hoàng linh 30g, tử đan sâm 48g, bắc sa sâm 120g, mạch môn đông 60g, thục địa hoàng 240g, phục thần 60g, toan táo nhân 36g, bắc câu kỷ 120g, xuyên bối mẫu 60g, ngân sài hồ 48g, xuyên luyện nhục 36g và cam thảo 24g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với lửa nhỏ, bỏ bã, luyện với mật ong và đường phèn làm thành cao lỏng. Mỗi lần dùng 10 – 15g uống với nước ấm, ngày dùng 3 lần.
20. Bài thuốc trị chứng lở ngứa ngoài da
- Chuẩn bị: Bán hạ và trần bì mỗi vị 2g, tam lăng 4g, hạ khô thảo, côn bố, ngưu bàng và nga truật mỗi vị 8g, hải tảo 16g, liên kiều 12g.
- Thực hiện: Đem sắc với 600ml còn lại 300ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.
21. Bài thuốc trị chứng loa lịch không tiêu
- Chuẩn bị: Huyền sâm, liên kiều và hạ khô thảo mỗi vị 12g, mẫu lệ 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với 500ml nước còn lại 150ml, bỏ phần bã và uống khi thuốc còn ấm.
22. Bài thuốc trị viêm amidan và
- Chuẩn bị: Đơn bì, chi tử và bạc hà mỗi vị 8g, hạ khô thảo, kinh giới, liên kiều, huyền sâm, kinh giới và ngưu bàng tử mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc ngày 1 thang.
23. Bài thuốc trị chứng can nhiệt gây chóng mặt, đau đầu và đỏ mắt
- Chuẩn bị: Hạ khô thảo, nữ tiết và hoa hòe, gia giảm liều theo từng trường hợp.
- Thực hiện: Nấu thành trà dùng uống hằng ngày thay cho nước lọc.
24. Bài thuốc chữa chứng huyết áp cao
- Chuẩn bị: Cúc hoa, tang diệp và hạ khô thảo mỗi vị 9g, câu đằng 12g.
- Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống.
25. Bài thuốc giúp bảo vệ gan và lợi mật
- Chuẩn bị: Cam thảo, hạ khô thảo và theo tỷ lệ 1:2:2.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày. Bài thuốc này thích hợp với những người có chức năng gan kém, thường xuyên uống rượu bia và ăn đồ dầu mỡ.
26. Bài thuốc trị mụn nhọt ngoài da
- Chuẩn bị: Kim ngân hoa, kinh giới, hạ khô thảo và cỏ mần trầu mỗi vị 10g, liên kiều, ké đầu ngựa, bồ công anh và vòi voi mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Đem nấu với 400ml còn lại 100ml, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
27. Bài thuốc trị viêm tai giữa
- Chuẩn bị: Thổ phục linh, đinh lăng và hạ khô thảo mỗi vị 6g, cây cứt lợn, kinh giới, sài hồ, bạch linh, phòng sâm, chi tử, hoàng kỳ, mẫu lệ và bạch truật mỗi vị 5g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong 1 ngày.
28. Bài thuốc trị chứng viêm gan gây vàng da và đau mắt đỏ
- Chuẩn bị: Hoàng liên ô rô 15g và hạ khô thảo 10g.
- Thực hiện: Đem sắc ngày 1 thang và dùng khi thuốc còn ấm.
29. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư mũi họng
- Chuẩn bị: Cam thảo 9g, hạ khô thảo 45g, hoàng liên ô rô 60g và thạch bì 40g.
- Thực hiện: Đem sắc với 1 thăng nước trong vòng 30 phút, chắt lấy nước, bỏ bã và dùng khi thuốc còn nóng.
30. Bài thuốc trị chứng rối loạn tiền mãn kinh
- Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi, hạt muồng mỗi vị 16g, hạ khô thảo 10g, cỏ tranh, tang ký sinh, lá tre và hoa hòe mỗi vị 20g, ngưu tất 12g, tâm sen 8g, rau má 30g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
31. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi
- Chuẩn bị: Sài hồ, huyền sâm và hạ khô thảo mỗi vị 16g, tang bạch bì và chỉ xác mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang trong thời gian dài.
32. Bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ
- Chuẩn bị: Hoa hòe, tang ký sinh và dạ giao đằng mỗi vị 25g, hạ khô thảo, cúc hoa và thảo quyết minh mỗi vị 20g, toan táo nhân sao, địa long và xuyên khung mỗi vị 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
Chú ý – Kiêng kỵ khi dùng vị thuốc hạ khô thảo
- Dược liệu hạ khô thảo hay còn gọi là hạ khô thảo bắc khác với hạ khô thảo nam (cải ma, cải trời) thuộc họ Cúc.
- Không dùng cho các trường hợp vị âm hư do dược liệu có khả năng kích thích dạ dày. Nếu dùng, cần gia thêm bạch truật và đảng sâm.
- Không sử dụng bài thuốc từ hạ khô thảo cho phụ nữ mang thai.
Hạ khô thảo là vị thuốc quý có nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên tự ý sử dụng dược liệu này có thể ảnh hưởng xấu đến dạ dày và sức khỏe. Vì vậy bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc từ hạ khô thảo.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.