Ngoài công dụng đối với mái tóc, trái bồ kết còn được sử dụng để chữa mụn nhọt ngoài da và các bệnh viêm nhiễm hô hấp thường gặp như viêm họng, ho, viêm amidan,… Tuy nhiên bồ kết có thể gây ngộ độc, vì vậy bạn cần thận trọng khi sử dụng thảo dược này.
Đặc điểm của cây bồ kết
Bồ kết là cây thân gỗ có chiều cao khoảng 5 – 10m. Cây có nhiều gai cứng, to và chia nhiều nhánh. Lá kép lông chim 2 lần, mỗi lá gồm có 3 – 4 cặp lá chét. Lá mọc so le, phiến lá chét có lông ở mặt trên và mép có răng cưa. Hoa mọc thành chùm ở ngọn hoặc nách lá, màu trắng. Quả dài, hơi cong như hình lưỡi liềm, bên trong chứa nhiều hạt.
Bồ kết phân bố nhiều ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, loài thực vật này mọc nhiều ở tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An,…
5 Công dụng bất ngờ của Trái bồ kết
1. Duy trì mái tóc chắc khỏe
Từ lâu, quả bồ kết đã được nhân dân sử dụng để nấu nước gội đầu. Thành phần chính trong loại quả này là saponaretin và flavonoizit có công dụng cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu, phục hồi nang tóc và giảm số lượng tóc gãy rụng.
Bên cạnh đó, quả bồ kết còn chứa protein, canxi và một số nguyên tố vi lượng cần thiết. Những thành phần này có tác dụng nuôi dưỡng chân tóc, giảm số lượng tóc rụng và duy trì mái tóc óng ả, mượt mà,…
2. Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da đầu
Nước sắc từ quả và gai cây bồ kết có tác dụng ức chế một số loại nấm và vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Do đó sử dụng bồ kết gội đầu có thể điều trị một số bệnh lý da liễu như viêm da tiết bã nhờn, nấm da đầu,…
Ngoài ra các thành phần trong bồ kết còn có công dụng loại bỏ vảy gàu, điều hòa hoạt động tiết dầu và phục hồi màng bảo vệ. Từ đó duy trì mái tóc chắc khỏe và giảm mức độ ảnh hưởng của các tác nhân từ môi trường.
3. Ngăn ngừa rụng tóc
Rụng tóc là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng nước bồ kết gội đầu nhằm kích thích tóc mọc.
Hợp chất chống oxy hóa flavonoid trong quả bồ kết có tác dụng phục hồi các nang tóc bị thoái hóa, từ đó kích thích sợi tóc mới phát triển và hạn chế tối đa số lượng tóc rụng. Bên cạnh đó các chất chống oxy hóa trong quả bồ kết còn có khả năng ức chế gốc tự do – nguyên nhân gây thoái hóa nang tóc và tăng nguy cơ hói đầu.
4. Hỗ trợ điều trị mụn nhọt ngoài da
Với tác dụng ức chế nấm và tụ cầu vàng, bồ kết còn được sử dụng để điều trị mụn nhọt ngoài da. Dùng nước sắc bồ kết ngâm rửa vùng da tổn thương có thể ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng, phục hồi mô da và ngăn ngừa lở loét hiệu quả.
5. Quả bồ kết điều trị viêm nhiễm hô hấp
Ngoài ra, quả bồ kết còn có tác dụng điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng và viêm amidan do virus hoặc vi khuẩn.
Sử dụng bài thuốc xông từ thảo dược này có thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh, làm thông thoáng đường thở, tăng dẫn lưu dịch tiết hô hấp và giảm đau rát cổ họng.
Hướng dẫn cách nấu nước bồ kết gội đầu
Bồ kết không chỉ có tác dụng duy trì mái tóc chắc khỏe, suôn mượt mà còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da đầu như nấm da đầu, viêm da tiết bã nhờn,… Vì vậy bạn có tận dụng thảo dược này để khắc phục các vấn đề liên quan đến mái tóc bằng một trong những biện pháp sau đây:
1. Nước nấu bồ kết thông thường
Với những trường hợp không có vấn đề về tóc, bạn có thể gội đầu bằng nước bồ kết thường xuyên để duy trì độ suôn mượt và chắc khỏe của mái tóc.
Chuẩn bị:
- 2 – 3 trái bồ kết khô
Thực hiện:
- Đem bẻ nhỏ và rang giòn cho thơm
- Sau đó nấu nước cho sôi và thả bồ kết vào đun trong vòng 5 – 10 phút
- Đợi nước bồ kết nguội bớt thì vớt bã và dùng nước gội đầu.
2. Nước bồ kết và vỏ bưởi
Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp bồ kết với vỏ bưởi để giảm tình trạng rụng tóc, loại bỏ gàu và hỗ trợ điều trị các bệnh lý da đầu khác.
Chuẩn bị:
- 50g vỏ bưởi
- 2 quả bồ kết khô
Thực hiện:
- Đem cắt vỏ bưởi thành từng miếng nhỏ và đập vụn bồ kết
- Cho vào nồi đun sôi trong 15 – 20 phút
- Vớt bã và pha thêm nước vào để gội đầu
Ngoài ra bạn có thể bỏ thêm sả vào nước bồ kết để tạo mùi hương tự nhiên cho mái tóc.
3. Nấu nước bồ kết với hương nhu
Nếu thường xuyên bị ngứa ngáy do da đầu tiết nhiều dầu, bạn có thể sử dụng công thức bồ kết và hương nhu để hạn chế hoạt động của tiết bã nhờn, tăng lưu thông máu và kích thích tóc mọc. Ngoài ra hương nhu và bồ kết còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp ức chế nấm và vi khuẩn gây hư hại nang tóc.
Chuẩn bị:
- 2 quả bồ kết khô
- 1 nắm lá hương nhu tươi
Thực hiện:
- Rửa sạch hương nhu và bẻ vụn quả bồ kết
- Cho vào nước đun sôi trong 10 – 20 phút
- Bỏ bã và pha thêm nước vào dùng để gội đầu
Một số bài thuốc chữa bệnh từ trái bồ kết
Theo Đông y, trái bồ kết (tạo giác thích) có vị cay, tính ôn, tác dụng trừ đờm, thác độc, tiêu thũng, bài nùng và hoạt huyết. Vì vậy thảo dược này không chỉ được sử dụng để nấu nước gội đầu mà còn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả bồ kết:
- Bài thuốc trị mụn nhọt bên trong: Dùng đương quy và xuyên khung mỗi vị 14g, xuyên sơn giáp 10, sinh kỳ và trái bồ kết mỗi vị 12g. Đem sắc uống, chia thành 3 lần và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc trị mụn bọc do gan huyết nhiệt: Chuẩn bị bồ công anh và trái bồ kết mỗi loại 20g, đem sắc uống ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc trị chứng tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh: Dùng nhục quế và cam thảo mỗi vị 4g, đương quy và bồ công anh mỗi vị 20g, thán khương 6g, trái bồ kết 10g, đào nhân 12g và xuyên khung 14g. Dùng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc trị viêm amidan: Dùng 10g trái bồ kết sắc uống, chia thành 2 lần dùng (sáng – tối).
- Bài thuốc trị ho có đờm: Chuẩn bị cam thảo 2g, sinh khương 1g, quế chi 1g, trái bồ kết 1g và đại táo 4g. Đem sắc với 600ml nước còn lại 200ml và chia thành 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc trị viêm xoang: Đốt trái bồ kết sau đó xông khói vào mũi để cải thiện tình trạng khó thở, nghẹt mũi kéo dài.
- Bài thuốc trị rụng tóc, chốc đầu ở trẻ nhỏ: Dùng trái bồ kết đốt thành than, tán bột mịn và đắp lên vùng da cần điều trị.
- Bài thuốc trị đau răng: Lấy trái bồ kết nước cháy đen, sau đó ngâm với rượu theo tỷ lệ 1:4 trong 1 ngày đem. Sau đó dùng rượu ngậm và nhổ đi, thực hiện liên tục vài ngày là khỏi.
- Bài thuốc trị quai bị: Đem trái bồ kết đốt thành than, sau đó tán thành bột và trộn với giấm thanh. Dùng bông gòn thấm thuốc và thoa lên vùng bị quai bị. Cứ 20 – 30 phút lặp lại 1 lần.
- Bài thuốc trị ghẻ lở lâu năm: Dùng 19 trái bồ kết giã nhỏ và cho vào dạ dày heo, buộc kín và nấu chín. Sau đó đem bỏ bồ kết và ăn hết dạ dày heo.
Lưu ý khi sử dụng trái bồ kết
- Trái bồ kết có chứa độc tính vì vậy cần thận trọng khi sử dụng bài thuốc uống từ thảo dược này. Dấu hiệu nhận biết ngộ độc bồ kết, bao gồm nôn ói, tức ngực, nóng rát ở cổ, đau đầu, mệt mỏi, chân tay rã rời.
- Không dùng bài thuốc uống cho phụ nữ mang thai vì độc tính trong bồ kết có thể gây sảy thai, sinh non và tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
- Tránh dùng trái bồ kết cho người có tỳ vị hư yếu. Sử dụng thảo dược này có thể gây rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, mất ngủ, trướng bụng,…
- Hạn chế dùng trái bồ kết cho người có bệnh lý về dạ dày và tá tràng.
Trái bồ kết có nhiều công dụng hữu ích. Tuy nhiên thảo dược này có độc tính khá mạnh, vì vậy bạn nên cân nhắc trước khi thực hiện các bài thuốc uống.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.