Địa cốt bì là tên gọi vỏ rễ đã qua phơi khô của cây câu kỷ. Dược liệu này có vị ngọt, tính hàn nên được dùng để chữa các chứng bệnh do nhiệt như nóng nảy trong người, suy thận, bạch đới và đau nhức răng.
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Khổ di, Khước thử, Tử kim bì, Tây vương mẫu trượng, Địa tiên, Phục trần chiên,…
Tên khoa học: Cortex lycci
Họ: Cà/ Khoai tây (danh pháp khoa học: Solanaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả: Địa cốt bì là phần vỏ rễ sấy hoặc phơi khô của cây câu kỷ (Lycium sinenese)
Phân bố: Cây câu kỷ chủ yếu sinh trưởng tại Trung Quốc.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Vỏ rễ.
Thu hái: Thu hái rễ vào mùa xuân hoặc cuối thu. Sau đó đem rửa sạch, rút bỏ lõi, chỉ lấy vỏ.
Chế biến:
+Cắt thành khúc, ngâm với nước sắc cam thảo trong 1 đêm, rồi sấy cho khô (theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận).
+Đem vỏ rễ rửa sạch, cắt nhỏ rồi phơi khô và dùng dần. Hoặc tẩm với rượu và sấy cho khô (theo Trung Dược Học).
Bảo quản: Nơi thoáng mát, tránh ẩm và mối mọt.
4. Thành phần hóa học
Chưa có nghiên cứu.
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Tác dụng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, kháng khuẩn, tăng co bóp tử cung và giảm nồng độ cholesterol trong máu.
Theo y học cổ truyền:
+Tác dụng lương huyết (nóng trong xương), chỉ khát, thanh nhiệt và sinh tân.
+Chủ trị chứng sốt lâu ngày không giảm, âm hư khiến người sốt khi về chiều.
6. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Thận, Can, Tam tiêu và Phế.
8. Liều dùng, cách dùng
Địa cốt bì có thể dùng bằng cách sắc nước uống, tán bột uống hoặc dùng ngoài. Nếu dùng uống chỉ nên dùng từ 3 – 5 chỉ/ ngày.
9. Bài thuốc
Địa cốt bì được áp dụng trong các bài thuốc trị hư lao, nóng nảy trong người, đau nhức xương,…
- Bài thuốc bổ tinh tủy, mạnh gân cốt và chống lão hóa: Dùng vỏ rễ cây câu kỷ, cam cúc hoa và sinh địa hoàng mỗi thứ 1 cân. Sau đó đem đâm nhuyễn sắc với 1 chén nước. Bỏ bã, lấy nước sắc đem nấu xôi. Xôi chín thì rải đều và thêm men rượu, đem cất thành rượu. Mỗi ngày dùng 3 chén.
- Bài thuốc trị nóng trong xương và nóng nảy bứt rứt: Dùng phòng phong 1 lượng, vỏ rễ cây câu kỷ 2 lượng và chích cam thảo 5 chỉ. Đem các vị thuốc sắc với 5 lát gừng tươi.
- Bài thuốc trị xương khớp nóng hoặc lạnh và hư lao khiến miệng đắng, khát nước: Dùng tiểu mạch 2 thăng, mạch môn đông 3 thăng và địa cốt bì 5 thăng. Đem các vị nấu cho nhừ, đem vớt bỏ bã và dùng nước uống khi khát. Mỗi lần dùng 1 thăng.
- Bài thuốc nôn ra máu không dứt: Dùng vỏ rễ cây câu kỷ tán bột và sắc thành nước uống hằng ngày.
- Bài thuốc trị bạch đới: Dùng sinh địa hoàng 5 cân, rễ câu kỷ 1 cân đem sắc với 1 đấu rượu.
- Bài thuốc trị răng sâu đau nhức: Ngâm địa cốt bì với giấm. Sau đó dùng hỗn dịch này súc miệng.
- Bài thuốc trị cam ăn tai ở trẻ nhỏ: Trộn dầu mè với nước sắc địa cốt bì, sau đó thoa lên da.
- Bài thuốc trị dương vật loét, chảy mủ, máu và ngứa ngáy: Dùng nước tương rửa sạch dương vật, rồi dùng bột rễ câu kỷ rắc lên.
- Bài thuốc trị sốt hâm hấp và hư lao: Dùng địa cốt bì tán bột, sau đó dùng 1 lượng vừa đủ uống với nước sôi.
- Bài thuốc trị chứng nhiệt lao khiến người nóng như đốt: Dùng sài hồ 1 lượng và địa cốt bì 2 lượng, đem tán bột. Mỗi lần uống 2 chỉ thuốc bột với nước sắc mạch môn đông.
- Bài thuốc trị thận suy gây đau thắt lưng: Dùng đỗ trọng, địa cốt bì và tỳ giải mỗi loại 1 cân. Đem các dược liệu ngâm với 3 đấu rượu, bịt kín bình và nấu trong vòng 1 ngày.
- Bài thuốc trị tiểu ra máu: Dùng rễ câu kỷ đem rửa sạch và giã nát. Sau đó đem sắc với nước, mỗi lần dùng 1 chén.
- Bài thuốc trị mắt sưng húp và đỏ: Dùng rễ câu kỷ 3 cân đem sắc với 3 đấu nước, sắc còn khoảng 3 thăng thì bỏ bã, gia lên muối. Tiếp tục sắc cho đến khi còn 2 thăng, để nguội và đem rửa mắt.
- Bài thuốc trị lở chân: Dùng hồng hoa và rễ câu kỷ tán bột, thoa vào vùng da bị lở.
10. Kiêng kỵ
Địa cốt bì có tính hàn nên không dùng cho người Tỳ Vị hư hàn và ngoại cảm phong hàn gây sốt.
Áp dụng các bài thuốc không phù hợp có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu địa cốt bì.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.